Cân nhắc khi bỏ tử hình đối với tội phạm ma tuý, tham ô tài sản, nhận hối lộ...

(ĐTCK) Ủng hộ quan điểm nhân đạo về việc giảm bớt hình phạt tử hình đối với tội phạm hình sự, song nhiều đại biểu còn băn khoăn khi bỏ tử hình đối với các tội: Vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại tổ chiều 20/5 (Ảnh: M.Minh)

Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Theo nội dung dự thảo Luật, dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ Luật hình sự hiện hành.

Bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Chủ trương này nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, phù hợp xu thế thế giới, tránh xung đột với các điều ước quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sắp ký.

Bỏ tử hình cần đảm bảo không làm suy yếu tính răn đe của pháp luật

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu quan điểm, giảm tử hình là xu thế nhân đạo trong tư pháp hình sự hiện đại, phù hợp với quyền được sống - là quyền cơ bản nhất của con người, được quy định tại Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng sự thay đổi này cần đảm bảo không làm suy yếu vai trò răn đe của pháp luật; đặc biệt đối với các tội xâm hại an ninh quốc gia, tham nhũng, ma tuý vốn có nguy cơ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế (Canada bỏ tử hình năm 1976, Pháp bỏ năm 1981 thay thế bằng tù chung thân; các nước này quy định rõ các trường hợp không được ân xá hoặc xét giảm án trong một khoảng thời gian dài 20-30 năm nhằm duy trì tính răn đe...), ông Thạch Phước Bình đề nghị có cơ chế chuyển từ tử hình sang tù chung thân không giảm án kèm theo các điều kiện áp dụng hết sức nghiêm ngặt, tránh lạm dụng hoặc khiến xã hội hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật.

Cùng với bỏ tử hình, đại biểu đề nghị có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, nếu không sẽ có nguy cơ làm tăng tội phạm. Theo đó, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, cần đặc biệt chú trọng phòng ngừa xã hội (bao gồm giáo dục, giảm nghèo, nâng cao nhận thức, tăng tính minh bạch, cải cách hành chính, kiểm soát quyền lực...).

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, chủ trương bỏ hình phạt tử hình cần được đồng bộ với hệ thống tư pháp nói chung và áp dụng theo lộ trình để tránh xung đột pháp lý.

Theo đó, giai đoạn 2025-2026 cần rà soát sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng bãi bỏ tử hình đối với nhóm tội phạm phi bạo lực như tham nhũng, kinh tế, gián điệp; áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án.

Giai đoạn 2026-2028 điều chỉnh hệ thống pháp luật liên quan (Luật thi hành án hình sự, Luật Tổ chức toà án nhân dân, Luật ân xá...) để bãi bỏ tử hình đối với các tội còn lại như dự thảo đề xuất. "Cùng với đó, giai đoạn này cần ban hành cơ chế đặc biệt về tái thẩm, giám đốc thẩm chuyển đổi án cho người đang thi hành án tử hình", ông Bình nói.

Giai đoạn 2028-2030 thực hiện cam kết quốc tế bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, chuyển sang cách ly có điều kiện, nâng cao vai trò phục hồi xã hội.

Để chính sách phát huy hiệu quả, đại biểu nhấn mạnh cần nâng cao tính minh bạch và vai trò giám sát xã hội. Chính phủ cần định kỳ công bố dữ liệu hàng năm về tình hình thi hành án tử hình, ân xá, giảm án để đảm bảo không tình trạng lợi dụng chính sách.

Đề nghị giữ nguyên tử hình đối với tội phạm ma tuý, tham nhũng, nhận hối lộ, làm thuốc giả

Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) nêu, qua nghiên cứu báo cáo của Bộ Công an đánh giá quá trình thực hiện Bộ luật Hình sự hiện hành, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi Bộ Công an nhận định, số lượng tội phạm ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn về tính chất.

Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) phát biểu tại tổ chiều 20/5

Báo cáo của Chính phủ năm 2024 đánh giá về tình hình tội phạm và trật tự xã hội cho thấy, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, toàn quốc xảy ra 54.127 vụ, tăng 12,53% so với năm 2023, làm 1.158 người chết, 10.553 người bị thương, gây thiệt hại tài sản 1.553 tỷ đồng. Trong đó, tội giết người, ma tuý tăng và ngày càng tinh vi. Trong 5 nguyên nhân thì có nguyên nhân là bất cập trong hệ thống chính sách pháp luật, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, còn nhiều bất cập.

"Tôi băn khoăn trong tình hình này mà lại bỏ tử hình đối với tội phạm ma tuý, còn bỏ tử hình các tội khác thì tôi cơ bản đồng tình", ông Đức nói.

Cũng phát biểu tại tổ, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) bày tỏ không đồng tình với đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Theo đại biểu, sản xuất, buôn bán thuốc giả là hành vi trục lợi trên nỗi đau của người bệnh, khiến nhân dân rất bức xúc trong thời gian qua. Tội phạm này cũng rất tinh vi, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ em. “Về nội dung này, tôi thấy nên giữ nguyên khung hình phạt là tử hình”, đại biểu Ma Thị Thúy nêu quan điểm.

Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma tuý, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng nếu bỏ hình phạt tử hình thì khó có sức răn đe. Đặc biệt, đối với các vụ vận chuyển ma túy lớn, nếu không có hình phạt nghiêm minh, nghiêm khắc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy với mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm các hệ lụy của ma túy.

Tương tự, trong khi đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7/8 tội danh nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) không nhất trí với dự thảo Luật về việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

“Đây điều rất vô nhân đạo, chúng ta cần nghiêm khắc xử lý bằng việc áp dụng hình phạt tử hình. Vì vậy, tôi đề nghị giữ lại hình phạt tử hình đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, ông Dũng đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cần xem xét giữ hình phạt tử hình đối với 3 tội gồm: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ.

Đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi)

Theo đại biểu, tình hình tham nhũng diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua, vì vậy nên giữ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ để có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này.

Còn đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định mức hình phạt tử hình nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm, hướng tới mục tiêu để Việt Nam không trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy.

Thực tế, tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp và có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có những vụ án vận chuyển ma túy lên đến hàng trăm bánh heroin, gây tác hại rất lớn đối với xã hội.

“Do đó, để đảm bảo tính răn đe và tạo một hành lang pháp lý để đấu tranh với loại tội phạm này, cần thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy và không chuyển thành hình phạt chung thân không xét giảm án”, ông Hùng nhấn mạnh.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục