
Vỡ kế hoạch Dự án Nhà máy xử lý nước thải
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn II có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính là xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 (nay thuộc TP. Thủ Đức) bằng hệ thống cống bao đường kính 3,2 m, dài 7,8 km; xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, hạ lưu sông Đồng Nai. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2015 đến năm 2026. Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP.HCM (gọi tắt là Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM)
“Trái tim” của Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn II chính là Gói thầu XL-02 (thiết kế, thi công, vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Gói thầu này có mức đầu tư lớn nhất trong Dự án, với 5.468 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2030 (bao gồm thời gian vận hành Nhà máy 5 năm kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành).
Theo kế hoạch thi công, công tác xây dựng toàn bộ hạng mục công trình của Nhà máy, bao gồm cả công tác tiền vận hành thử, phải hoàn thành trước ngày 30/9/2025. Theo đó, giá trị khối lượng hoàn thành đến ngày 30/4/2025 phải đạt 80,86% giá trị hợp đồng, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 64,37%, chậm 16,49% so với kế hoạch, ngày hoàn thành đang chậm khoảng 6,5 tháng.
Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM, trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 12/2024, giá trị khối lượng hoàn thành Nhà máy tăng trung bình 3,1%/tháng. Do đó, để hoàn thành công tác xây dựng Nhà máy vào ngày 30/9/2025 theo kế hoạch, thì nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ để đạt được giá trị khối lượng hoàn thành trung bình mỗi tháng là 7,13%.
Nhưng căn cứ tình hình thực tế hiện nay, mục tiêu hoàn thành công tác xây dựng Nhà máy là rất khó đạt được. Ngày hoàn thành công tác xây dựng Nhà máy theo tính toán sẽ bị kéo dài đến ngày 16/4/2026 và có thể tiếp tục kéo dài hơn nữa nếu tiến độ vẫn không được cải thiện.
Không ai chịu đứng tên nhập thiết bị
Theo kế hoạch, Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè bao gồm 134 gói thiết bị và được nhà thầu chia thành 3 đợt, toàn bộ thiết bị phải được trình và duyệt trước ngày 5/3/2025, sản xuất và vận chuyển về công trường trước ngày 25/8/2025.
Đến nay, nhà thầu đã trình 112/134 gói thiết bị (đạt 84%), chủ đầu tư đã được phê duyệt 104/134 gói thiết bị (đạt 78%), trong đó 70 gói thiết bị đang đặt hàng và 14 gói thiết bị đã vận chuyển về công trường.
Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây ra chậm trễ trong việc phê duyệt, đặt hàng, sản xuất và đưa thiết bị về công trường là nhà thầu hoãn công tác nhập khẩu thiết bị và yêu cầu chủ đầu tư phải là bên đứng tên bên nhập khẩu/người nhận hàng thay vì nhà thầu như quy định trong Hợp đồng, hoặc chủ đầu tư phải cung cấp thư ủy quyền để nhà thầu đứng tên bên nhập khẩu/người nhận hàng.
Cụ thể, ngày 2/4/2024, tại công văn về quy trình nhập khẩu thiết bị, nhà thầu XL-02 đóng vai trò là bên nhập khẩu và cũng là người nhận hàng; còn chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các tài liệu pháp lý của Dự án, thanh toán thiết bị và thuế, phí nhập khẩu cho thiết bị thông qua các chứng chỉ thanh toán tạm.
Tính đến thời điểm tháng 1/2025, nhà thầu đã tiến hành các thủ tục nhập khẩu thiết bị dưới tên nhà thầu là bên nhập khẩu/người nhận hàng đối với một số thiết bị mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, cũng như không cần giấy ủy quyền từ chủ đầu tư.
Nhưng từ tháng 1/2025 đến nay, nhà thầu tạm dừng nhập khẩu thiết bị và liên tục có các công văn yêu cầu chủ đầu tư là bên nhập khẩu thiết bị, hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải phát hành thư ủy quyền cho nhà thầu.
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn II có tổng cộng 29 gói thầu, trong đó có 9 gói thầu xây lắp (đã hoàn thành 5/9 gói và chấm dứt hợp đồng 1/9 gói), 16 gói thầu tư vấn (đã hoàn thành 9/16 gói và chấm dứt hợp đồng 1/16 gói), 3 gói thầu mua sắm đã hoàn thành và 1 gói thầu rà phá bom mìn bổ sung đã hoàn thành. Tiến độ chung của Dự án tính đến ngày 30/4/2025 mới đạt 76%.
Về phía mình, Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM lập luận rằng, theo Hợp đồng, chủ đầu tư đã không chỉ trao quyền, mà còn quy định trách nhiệm cho nhà thầu trong việc thông quan nhập khẩu. Phụ lục của Thỏa thuận hợp đồng đã nêu rất rõ rằng, nhà thầu phải là bên nhập khẩu/người nhận hàng. Trong trường hợp có mâu thuẫn, nội dung của Thỏa thuận hợp đồng và các phụ lục kèm theo sẽ được ưu tiên cao nhất áp dụng.
Trên cơ sở các quy định trên, chủ đầu tư đã có nhiều công văn phản hồi tương ứng yêu cầu nhà thầu nhanh chóng tiến hành các thủ tục nhập khẩu thiết bị dưới tên nhà thầu là bên nhập khẩu/người nhận hàng. Nhưng, nhà thầu lại yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp thư ủy quyền để nhà thầu thay mặt chủ đầu tư đứng tên nhập khẩu thiết bị và kê khai, hoàn thành nghĩa vụ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) hàng nhập khẩu.
Trước tình thế này, Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM đã tham vấn ý kiến nhiều cơ quan chuyên môn.
Ngày 16/4/2025, tại cuộc họp với Chi cục Hải quan khu vực II (TP.HCM), đại diện Chi cục Hải quan cho rằng, việc nhà thầu tiến hành mua thiết bị từ nước ngoài và tiến hành nhập khẩu thiết bị dưới tên nhà thầu là bên nhập khẩu/người nhận hàng hoàn toàn tuân thủ quy định và cơ quan hải quan không yêu cầu giấy ủy quyền từ chủ đầu tư. Trong trường hợp chủ đầu tư đồng ý phát hành thư ủy quyền theo yêu cầu của nhà thầu đồng nghĩa chủ đầu tư sẽ chịu phần VAT nhập khẩu của Biểu giá số 1. Trong khi hiện nay, vấn đề VAT vẫn đang là tranh chấp.
“Do đó, việc nhà thầu đơn phương và tự ý tạm dừng nhập khẩu thiết bị kể từ tháng 1/2025 cũng như không thực hiện việc tiếp tục nhập khẩu thiết bị như đã cam kết trong cuộc họp ngày 3/4/2025 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành công tác xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình vào ngày 30/9/2025”, Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM nêu rõ.
Bên cạnh nguyên nhân trên, việc chậm trễ trong xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn do các hồ sơ đệ trình của nhà thầu thiếu các thông tin cần thiết, dẫn đến phải rà soát và bổ sung nhiều lần (có trên 35% hồ sơ phải rà soát từ vòng thứ 3 trở lên mới đạt điều kiện xem xét, phê duyệt).
Nhà thầu kêu dòng tiền bị âm
Cũng liên quan gói thầu thiết kế, thi công, vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, theo Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM, nhà thầu thông báo dòng tiền của họ tại Dự án đang bị âm do ảnh hưởng bởi một số yếu tố không lường trước được trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Liên quan vấn đề này, chủ đầu tư cho rằng, Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải chứng minh nguồn lực tài chính với hạn mức tín dụng 35 triệu USD để thực hiện gói thầu như đã cam kết tại giai đoạn đấu thầu. Đến nay, báo cáo về dòng tiền của nhà thầu chưa thể hiện theo các biểu giá trong Hợp đồng, cũng như chưa xét đến nguồn lực tài chính như yêu cầu của Hồ sơ mời thầu. Do đó, nhà thầu vẫn không đưa ra được bằng chứng để chứng minh vấn đề mà họ gọi là “gánh nặng tài chính” hay “dòng tiền mất cân đối”. Việc thực hiện phụ lục Hợp đồng về thay đổi các điều khoản thanh toán không phải là nghĩa vụ của chủ đầu tư.
Cũng liên quan dòng tiền, đề xuất mới nhất của nhà thầu vào ngày 9/4/2025 là tạm hoãn thu hồi số tiền tạm ứng còn lại cho đến khi giá trị thanh toán đạt 80% giá trị Hợp đồng và tiến hành thu hồi tại thời điểm đạt 80%; cho phép thay thế số tiền giữ lại bằng các bảo lãnh ngân hàng tương ứng.
Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM phản bác rằng, đề xuất tạm hoãn thu hồi số tiền tạm ứng của nhà thầu không đúng quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, vì nhà thầu đề xuất tạm dừng thu hồi tiền tạm ứng cho đến khi giá trị thanh toán đạt 80%, trong khi quy định nêu rõ, số tiền tạm ứng phải thu hồi hết khi giá trị thanh toán đạt 80% giá trị hợp đồng.
Việc hoàn thành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm, chiếm khoảng 70% lượng nước thải ra hàng ngày của TP.HCM. Vì vậy, dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường sống của người dân TP.HCM. Nhưng với mâu thuẫn trên, bao giờ mục tiêu ý nghĩa đó mới thành sự thật?
Có chính kiến rõ ràng trong tham mưu
Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM, ban này đã báo cáo UBND TP.HCM xin chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian và phát sinh chi phí cho các gói thầu tư vấn (TV-01, TV-02, TV-05, TV-06, TV-07 và TV-08) của Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn II. UBND TP.HCM đã có công văn chỉ đạo sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất.
Ngày 23/4/2025, Sở Giao thông công chánh TP.HCM (nay là Sở Xây dựng TP.HCM) có công văn báo cáo UBND TP.HCM về điều chỉnh giá hợp đồng các gói thầu tư vấn. Tới ngày 29/4/2025, UBND TP.HCM có công văn yêu cầu Sở Giao thông công chánh chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, có chính kiến rõ ràng trong việc tham mưu đề xuất UBND Thành phố đối với việc gia hạn thời gian và phát sinh chi phí cho hợp đồng các gói thầu tư vấn. Vì vậy, Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM cũng kiến nghị Sở Giao thông công chánh (nay là Sở Xây dựng TP.HCM) sớm làm rõ nội dung tham mưu theo yêu cầu của UBND TP.HCM.