Tôi đã và đang nói rằng đây là “một cuộc khủng hoảng chưa từng có”. Là một cuộc khủng hoảng phức tạp hơn, với những cú sốc gắn với sức khỏe, sinh mạng của con người và tới các nền kinh tế mà đưa lối sống của chúng ta đến một điểm gần như dừng hoàn toàn; bất định hơn, vì chúng ta chỉ đang dần dần nghiên cứu cách điều trị chủng loại virus mới, làm sao để ngăn chặn virus lây lan theo cách thức hiệu quả nhất và khởi động lại nền kinh tế của mình.
Trên bình diện toàn cầu, đại dịch này không phân biệt biên giới, cũng như không quan tâm đến các hệ luỵ kinh tế mà nó gây ra.
Triển vọng thật thảm khốc. Chúng tôi dự báo hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ giảm trên quy mô chưa từng thấy kể từ cuộc Đại khủng hoảng. 170 quốc gia sẽ chứng kiến thu nhập bình quân đầu người đi xuống trong năm nay, khi mà chỉ một vài tháng trước, chúng tôi vẫn còn dự kiến 160 nền kinh tế sẽ có tăng trưởng.
Các hành động đã thực thi
Khoảng thời gian ngoại lệ này đòi hỏi phải có hành động ngoại lệ. Theo nhiều cách, các thành viên IMF đã có “phản ứng chính sách chưa từng có”.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Các biện pháp tài khóa cho đến nay đã lên tới khoảng 8.000 tỷ USD và các ngân hàng trung ương đã thực hiện bơm lượng thanh khoản lớn (trong một số trường hợp là không giới hạn).
Về phần mình, IMF có khả năng cho vay 1.000 tỷ USD, gấp 4 lần so với lúc khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - nhằm giúp đỡ 189 quốc gia thành viên.
Nhận thấy cuộc khủng hoảng lần này có tính toàn cầu và diễn biến nhanh, vì vậy, hành động sớm sẽ có giá trị và tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều, chúng tôi đã tìm cách tối đa hóa khả năng của mình để có thể cung cấp nguồn tài chính nhanh chóng, đặc biệt là cho các thành viên có thu nhập thấp.
Về vấn đề này, chúng tôi đã tăng cường nguồn lực và bắt đầu thực hiện các biện pháp ngoại lệ chỉ trong hai tháng vừa qua.
Những hành động
Tăng gấp đôi tài trợ theo phương thức khẩn cấp của IMF và năng lực giải ngân nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu dự kiến khoảng 100 tỷ USD. 103 quốc gia đã tiếp cận chúng tôi đề nghị tài trợ khẩn cấp và Ban Giám đốc điều hành của IMF sẽ xem xét khoảng một nửa số yêu cầu này cho đến cuối tháng 4.
Cải cách phương thức tài trợ giúp ngăn chặn thảm họa và giảm nợ (CCRT) của mình nhằm giúp đỡ 29 thành viên nghèo và dễ bị tổn thương nhất, trong đó riêng châu Phi có 23 thành viên, thông qua giảm nợ nhanh chóng. Chúng tôi đang làm việc với các nhà tài trợ để tăng nguồn lực tài trợ giảm nợ thêm 1,4 tỷ USD. Nhờ sự rộng lượng của chính phủ các nước Anh, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Singapore và Trung Quốc, chúng tôi có thể cung cấp cứu trợ ngay lập tức cho các thành viên nghèo nhất.
Nhằm tăng gấp ba nguồn lực tài trợ ưu đãi theo phương thức giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng cho các thành viên dễ bị tổn thương nhất, chúng tôi đang tìm kiếm 17 tỷ USD cho nguồn lực cho vay mới, và về mặt này, tôi rất vui mừng với các cam kết từ các nước Nhật Bản, Pháp, Anh, Canada và Úc với tổng trị giá cam kết lên tới 11,7 tỷ USD, giúp chúng tôi đáp ứng khoảng 70% nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu này.
Ủng hộ việc các nước G20 đã đạt được một hiệp ước đột phá về hoãn trả nợ song phương chính thức cho các nước nghèo nhất cho đến cuối năm 2020. Kế hoạch hoãn trả nợ này trị giá khoảng 12 tỷ USD cho các quốc gia cần nhất. IMF cũng kêu gọi sự tham gia của các chủ nợ khu vực tư nhân tham gia với các điều khoản tương tự và như vậy có thể mang lại thêm 8 tỷ USD hoãn nợ.
Thiết lập một dòng thanh khoản ngắn hạn mới có thể giúp các quốc gia củng cố sự ổn định kinh tế và niềm tin. Đây là gói hành động mà Ủy ban Tài chính và tiền tệ Quốc tế đã thông qua tuần trước tại Hội nghị trực tuyến Mùa xuân của chúng tôi. Gói hành động này thể hiện một phản ứng chính sách rất mạnh mẽ. Trên hết, cho phép IMF ngay lập tức có thể hỗ trợ “tại đây và ngay bây giờ” cho các quốc gia và những người thật sự có nhu cầu.
Ngăn chặn một cuộc suy thoái kéo dài
Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và bây giờ là lúc để nhìn về phía trước, tựa như câu nói của cựu vận động viên khúc côn cầu trên băng vĩ đại người Canada Wayne Gretzky, “Hãy lướt đến nơi quả bóng sẽ đến, chứ không phải nơi quả bóng đã đến”.
Chúng ta cần suy nghĩ kỹ xem cuộc khủng hoảng này đang đi về đâu và làm thế nào để chúng tôi có thể sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia thành viên, chú ý đến cả khía cạnh rủi ro và cơ hội. Giống như cách chúng ta đã phản ứng mạnh mẽ trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng nhằm tránh để lại những vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tránh một cuộc suy thoái đau đớn kéo dài.
Tôi đặc biệt quan tâm đến các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, những nơi này đã trải nghiệm sự đảo chiều mạnh nhất của dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy ra khoảng 100 tỷ USD. Những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa còn bị sốc hơn nữa bởi giá xuất khẩu sụt giảm. Các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch đang trải qua sự sụt giảm nguồn thu, cũng như các quốc gia phụ thuộc vào kiều hối để hỗ trợ thu nhập.
Đối với các nền kinh tế mới nổi, IMF có thể hỗ trợ thông qua các công cụ cho vay thông thường, bao gồm cả các công cụ có tính chất phòng ngừa. Điều này có thể đòi hỏi nguồn lực đáng kể nếu như áp lực thị trường gia tăng. Để ngăn chặn sự dàn trải, chúng tôi sẵn sàng triển khai khả năng cho vay đầy đủ của mình và huy động sự tham gia của tất cả các thể chế và cơ chế của mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, bao gồm cả việc sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) nếu như điều đó có thể hữu ích hơn.
Đối với các thành viên nghèo nhất, chúng tôi cần cung cấp nguồn tài trợ ưu đãi lớn hơn nhiều. Với đỉnh điểm của sự bùng phát dịch bệnh vẫn còn ở phía trước, nhiều nền kinh tế sẽ đòi hỏi chi tài khóa lớn nhằm giải quyết khủng hoảng về sức khỏe y tế, giảm thiểu tình trạng phá sản và mất việc làm, trong khi vẫn phải đối mặt với vô số nhu cầu tài chính từ bên ngoài.
Nhưng đi vay nhiều hơn chưa chắc lúc nào cũng là giải pháp tối ưu cho mọi quốc gia. Cuộc khủng hoảng đang làm tăng thêm gánh nặng nợ lớn và nhiều quốc gia có thể nhận ra mình đang trên con đường phát triển không bền vững.
Vì vậy, chúng ta cần dự liệu các cách tiếp cận mới, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác
cũng như khu vực tư nhân, nhằm giúp các quốc gia vượt qua cuộc khủng hoảng này và trỗi dậy kiên cường hơn.
Và IMF, giống như các quốc gia thành viên của mình, có thể cần phải mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình để cân nhắc liệu có nên sử dụng cả các biện pháp ngoại lệ để vượt qua cuộc khủng hoảng không có tiền lệ này hay không.
Chuẩn bị phục hồi
Nhằm đặt nền móng cho sự phục hồi mạnh mẽ, khuyến nghị chính sách của chúng tôi sẽ cần phải thích ứng với tiến triển của thực tiễn. Chúng ta cần hiểu rõ hơn về những thách thức, các rủi ro và sự đánh đổi cụ thể mà mỗi quốc gia phải đương đầu khi dần khởi động lại nền kinh tế của mình.
Các câu hỏi chính bao gồm cần phải duy trì các gói kích thích và các biện pháp chính sách ngoại lệ này trong bao lâu, làm cách nào để gỡ bỏ chúng; giải quyết tình trạng thất nghiệp cao và chính sách lãi suất “thấp trong thời gian dài”; bảo vệ sự ổn định tài chính và ở những nơi cần thì tạo thuận lợi cho các điều chỉnh cơ cấu ngành và xử lý nợ cho khu vực tư nhân.
Chúng ta cũng phải không được quên là những thách thức lâu dài luôn đòi hỏi phải có nỗ lực phản hồi tập thể, chẳng hạn tái kích thích thương mại như là một động lực cho sự tăng trưởng; chia sẻ lợi ích của Fintech và chuyển đổi kỹ thuật số với tính hữu dụng của chúng đã được chứng minh qua cuộc khủng hoảng lần này. Cùng với đó là chống biến đổi khí hậu, nơi mà gói kích thích tăng cường phục hồi nền kinh tế cũng có thể được định hướng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng xanh và chống chịu được biến đổi
khí hậu.
Cuối cùng, trong một thế giới mới sau đại dịch (Covid-19), chúng ta không thể đơn giản coi sự gắn kết xã hội là lẽ đương nhiên. Vì vậy, chúng ta phải hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia trong hiệu chỉnh các chính sách xã hội của họ nhằm giảm bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và thúc đẩy việc tiếp cận cơ hội cho tất cả
mọi người.
Đây là thời điểm thử nghiệm lòng nhân ái của chúng ta. Nó phải được gắn với sự đoàn kết.
Có nhiều điều không chắc chắn về hình dạng tương lai của chúng ta, song chúng ta cũng có thể đón nhận cuộc khủng hoảng này như một cơ hội để cùng nhau tạo ra một tương lai khác và tốt đẹp hơn.