1. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vị trí trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước Ðông Nam Á sẽ được đẩy nhanh nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn nắm giữ nhiều lợi thế nhờ chuỗi cung ứng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng mạnh và trình độ quản trị tốt, nhưng các quốc gia Ðông Nam Á và Nam Á sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng và nguồn nhân lực có trình độ nhằm thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước Ðông Nam Á được dự báo sẽ được đẩy nhanh. Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển này, tuy nhiên, sự dịch chuyển vẫn chủ yếu diễn ra tại các ngành có giá trị gia tăng không cao như dệt may, da giày, hay lắp ráp linh kiện điện tử.
Vốn FDI đăng ký và điều chỉnh tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm cùng với giá thuê đất khu công nghiệp thiết lập mặt bằng mới bất chấp dịch Covid-19 là mình chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 là điểm cộng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc có thể kể đến PHR, NTC, KBC.
2. Thúc đẩy đầu tư công có thể là biện pháp hữu hiệu để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam dự kiến chi hơn 700.000 tỷ đồng (tương đương hơn 30 tỷ USD) cho đầu tư công trong năm 2020, số vốn này gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019.
Một số dự án trọng điểm, cấp bách được ưu tiên giải ngân có thể kể tới như Cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Sân bay quốc tế Long Thành... Nâng cấp hạ tầng giao thông là giải pháp giúp tiết giảm chi phí logistics (chiếm khoảng 16 - 17% GDP) và làm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công bao gồm: HPG, KSB, DHA, CTI, FCN, C4G, CII.
3. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 7/2020. EVFTA dự báo sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 42% vào năm 2025. Hiệp định được ký kết bên cạnh Hiệp định bảo hộ đầu tư cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Một số doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi từ EVFTA là TNG, MSH, CMX, MPC, VHC, FMC…
4. Cuộc cách mạng công nghệ. Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng và hoạt động của các doanh nghiệp. Xu hướng công nghệ số 4.0 và số hóa quản trị doanh nghiệp dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ sau khi nền kinh tế dần ổn định trở lại. FPT là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ.
5. Ngành điện hưởng lợi từ dịch chuyển sản xuất và nguyên liệu đầu vào giảm. Với nhu cầu điện tăng trưởng 11%/năm, thiếu hụt điện năng có thể lên đến 48 tỷ kWh vào năm 2025, Nhu cầu điện sản xuất tăng một phần là do các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đang xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào chính của các nhà máy nhiệt điện vốn chiếm khoảng 70% là than và dầu giảm mạnh, sẽ giúp biên lợi nhuận tăng.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng có nhiều triển vọng khi chi phí đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng rẻ, tiệm cận năng lượng truyền thống và Nhà nước có chính sách hấp dẫn: giá mua điện mặt trời là 7,09 UScent/kWh (dự án điện mặt trời nổi); điện gió là 8,5 UScent/kWh (hòa lưới trước 1/11/2021).
Một số doanh nghiệp ngành điện đáng chú ý là POW, NT2.