Cần lường trước cú sốc kinh tế với giá dầu

(ĐTCK) Giá dầu dễ dàng đánh mất ngưỡng 30 USD/thùng, rơi xuống dưới 28 USD/thùng, cùng với những diễn biến khó lường trên thị trường khiến nỗi lo đối với loại năng lượng này ngày càng gia tăng. 
Giá dầu đã rơi xuống mức 28 USD/thùng Giá dầu đã rơi xuống mức 28 USD/thùng

Chuẩn bị sớm những kịch bản ứng phó và lường trước cú sốc của giá dầu đối với nền kinh tế là việc làm cần thiết và cấp bách tại thời điểm này.

Sự phức tạp của giá dầu và tính khó dự liệu của nó không xuất phát từ cung - cầu trên thị trường mà chủ yếu do những bất ổn trên thế giới, liên quan đến câu chuyện địa chính trị giữa các cường quốc. Nhiều tổ chức tài chính uy tín, trong đó có Goldman Sachs đã đưa ra dự báo giá dầu có thể xuống tới mức kỷ lục là 20 USD/thùng, thậm chí thấp hơn là 18 USD/thùng.

Nếu điều này trở thành hiện thực, theo nhận định của các chuyên gia Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế Quốc gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với một cú sốc. Bởi khi đó, nguồn thu ngân sách giảm mạnh, tác động tới chi tiêu Chính phủ và nhu cầu trong nước, tăng trưởng GDP có thể không “đẹp” như kịch bản và mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra và được Quốc hội thông qua. Khi nền kinh tế sụt giảm và diễn biến kém lạc quan, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư chịu tác động mạnh nhất.

Tại sao có thể coi đây là cú sốc đối với nền kinh tế? Câu trả lời là hãy nhìn vào các chỉ tiêu kế hoạch tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi Tập đoàn vẫn đặt ra những kịch bản với giá dầu “lạc quan”. Cụ thể, trên cơ sở các chỉ tiêu sản lượng được Chính phủ giao, kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2016 được Quốc hội thông qua với phương án giá dầu là 60USD/thùng, Tập đoàn xây dựng kế hoạch tài chính theo các phương án giá dầu 55, 50, 40, 35, 30USD/thùng (xem bảng).

Rõ ràng đến thời điểm này, kịch bản trên của PVN không còn phù hợp vì giá dầu đã rơi xuống mức 28 USD/thùng.

Bên cạnh đó, ngành dầu khí cũng phải đối mặt với một loạt khó khăn khác như việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và việc ký kết, triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP...

Các hiệp định này tuy mang lại lợi ích cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là trong việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh ở cả thị trường quốc tế và trong nước. Đặc biệt, việc chênh lệch thuế nhập khẩu các sản phẩm DO, Jet A1, LPG, Polypropylene theo các FTA, được dự báo sẽ gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Cần lường trước cú sốc kinh tế với giá dầu ảnh 1

Chưa kể, tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn, cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của PVN.

Ngoài ra, điều kiện triển khai các dự án dầu khí ở trong nước ngày càng khó khăn, do phải triển khai ở vùng sâu và xa bờ trên biển Đông; việc tìm kiếm, triển khai các dự án tốt ở nước ngoài có nhiều trở ngại do phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn/công ty dầu khí trên thế giới.

Trong khi nguồn thu của Tập đoàn bị suy giảm thì nhiều dự án lớn của PVN có mức đầu tư cao, cần thúc đẩy tiến độ nên sức ép về thu xếp vốn là rất lớn; việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECAs) của Nga và Mỹ gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với Nga; việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài khác của PVN cũng không dễ dàng do các quy định hiện hành chưa đồng bộ và thống nhất. 

Hoàng Kim

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục