Xanh hóa khu công nghiệp
“Mặc dù chúng tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng về chênh lệch giá thuê của các dự án tại khu công nghiệp (KCN) đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam so với các KCN truyền thống, nhưng khách thuê đã bắt đầu có xu hướng ưu tiên hơn đối với các KCN được phát triển bền vững và chú trọng vào năng lượng tái tạo”.
Nhận định trên được bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam đưa ra khi nói về xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp theo tiêu chuẩn xanh.
Thực tế có ngày càng nhiều dự án công nghiệp được đăng ký và có chứng nhận LEED (Hệ thống đánh giá công trình xanh với định hướng thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) tại Việt Nam. Theo bà Thanh, tính đến đầu quý III/2023, hàng loạt dự án bất động sản công nghiệp đã đăng ký cấp chứng nhận LEED, như Core5 (Hải Phòng), Logos (Bắc Ninh), RBW tại KCN Phú Tân (Bình Dương), RBW tại KCN Xuyên Á (Long An)…
Thực ra, xu hướng KCN xanh mà CBRE vừa nêu đã được nhắc đến nhiều trong những năm qua và đang dần thực hành rõ nét. Đầu tháng 7/2023, Frasers Property Vietnam thông báo Dự án Eco Logistics Centre (Bình Dương) được chứng nhận LEED, được trao bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC).
Eco Logistics Centre có diện tích hơn 7,5 ha do Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương làm chủ đầu tư, phát triển và quản lý vận hành bởi Frasers Property Vietnam. Để đạt được kết quả nêu trên, theo ông Edwin Tan, Phó tổng giám đốc Điều hành Frasers Property Vietnam, các giai đoạn thiết kế, xây dựng được triển khai hướng đến việc tiết kiệm tới 25% năng lượng so với công trình tương tự.
Ông Hoo Swee Loon, Phó tổng giám đốc Le Mont Group cũng đánh giá, phát triển các khu, cụm công nghiệp xanh và thông minh, cùng với việc xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín, là một hướng đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Các KCN xanh không chỉ tập trung vào việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thải, mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sạch và hiệu quả.
Đường đi còn dài
Theo các chuyên gia, việc phát triển KCN xanh, sinh thái là một cấu phần quan trọng để các nhà phát triển tiến tới thực hành ESG. Bởi hiện nay, các yêu cầu về ESG buộc nhà máy phải đặt ở KCN tuân thủ ESG, trong một tổng thể hài hòa các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata nhìn nhận, xu hướng thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng ngày càng khắt khe hơn, hướng tới những dự án bảo vệ môi trường, hạn chế thâm dụng nhân lực và tài nguyên, hàm lượng công nghệ cao.
Mặt khác, nhà đầu tư đến từ những thương hiệu lớn cũng hướng đến những địa điểm đầu tư đáp ứng được tiêu chuẩn về ESG.
“Việt Nam mới chỉ có cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo tại tòa nhà văn phòng, vậy còn các nhà máy - nơi có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn nhất vẫn chưa có”, ông Nhân bày tỏ.
Còn theo ông Hoo Swee Loon, việc phát triển các dự án bất động sản công nghiệp theo chuẩn ESG vẫn là một xu hướng khá mới ở Việt Nam, vì vậy, việc triển khai sẽ gặp không ít các thách thức, trong đó ông cho rằng, sẽ có ít nhất 4 khó khăn chính.
Thứ nhất, đầu tư theo chuẩn ESG thường yêu cầu số vốn lớn ban đầu để thực hiện các công nghệ và thiết bị xanh hơn, cũng như thiết lập hệ thống quản lý và theo dõi ESG.
Thứ hai, để tuân thủ các tiêu chí theo tiêu chuẩn ESG, doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức hoạt động và quản lý. Điều này có thể tạo ra khả năng xung đột với cách làm truyền thống và đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong tư duy kinh doanh.
Thứ ba, đo lường và giám sát tiến bộ theo chuẩn ESG có thể khá phức tạp và đòi hỏi tập trung vào các chỉ số khảo sát, dữ liệu thống kê và hệ thống theo dõi.
Cuối cùng là, khả năng đào tạo và nhân lực cũng là một thách thức lớn trong thực hành ESG. Để thực hiện các tiêu chí ESG, doanh nghiệp cần có nhân lực được đào tạo và có kiến thức về môi trường, xã hội và quản trị. Điều này có thể đặt ra thách thức trong việc tìm kiếm và duy trì nhân tài chất lượng.
“Tuy rằng, việc triển khai các dự án công nghiệp theo chuẩn ESG sẽ gặp những trở ngại nhất định, nhưng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp có thể chọn lộ trình hợp lý để sớm thực hiện thay đổi từng bước, bởi người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Hoo Swee Loon nhận định.