Trong kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất với Chính phủ, giải pháp cải cách hành chính gắn với công khai và minh bạch hoá được coi là nhóm giải pháp đầu tiên. Điều này đã được hầu hết các đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nhắc lại khi được đề nghị đưa ra các kiến nghị với Chính phủ nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực DN dân doanh.
Không thể phủ nhận những phần việc đã làm được từ phía các cơ quan chính phủ, các cấp chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện để DN có thể tiếp cận tốt với các thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song, trao đổi với Báo Đầu tư, ông Võ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vẫn băn khoăn rằng, những gì mà các cơ quan nhà nước công khai, minh bạch vẫn là cái mà họ có, đó là thông tin mà các cơ quan đó muốn công khai chứ chưa hẳn là thông tin mà các DN mong muốn có. Thậm chí, ông Tuấn cũng nhắc tới dư luận đâu đó rằng, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nươc ngoài dường như được “trải thảm đỏ” nhiều hơn, được sẵn sàng cung cấp thông tin hơn là các DN dân doanh trong nước.
Ý KIẾN Ông Vũ Quốc Tuấn Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Thể chế nào, doanh nhân ấy. Có thể DN dân doanh linh hoạt và năng động trong khắc phục khó khăn để phát triển, song cũng không thể nào thoát ra khỏi thể chế ấy. Nếu một thể chế minh bạch, công khai, DN khó có thể làm ăn không minh bạch được và ngược lại.
Ông Nguyễn Văn Đệ Chủ nhiệm HTX Vận tải Hợp Lực, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hoá) Cách đây 2 năm, DN chúng tôi phải mất hơn 1 năm mới hoàn thành xong các thủ tục thành lập Bệnh viên đa khoa có quy mô là 100 giường bệnh. Nhưng sau khi đã hoạt động tốt và hiệu quả, dự án mở rộng quy mô bệnh viện lên 500 giường đã được thực hiện rất nhanh chóng. Có lẽ DN dân doanh còn chưa được tin tưởng để được công khai, minh bạch chăng? Nhất là việc thực thi chính sách của trung ương như thuế, hải quan, đất đai, tài chính… tới DN rất hạn chế. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì DN dân doanh sẽ khó có thể lớn được.
Ông Lê Đình Thắng Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Minh (Phú Yên) Khi DN và nhà nước cùng một con thuyền đi trên một dòng sông thì điều quan trọng nhất là điều khiển được con thuyền đi đúng hướng. DN cần phải biết Nhà nước định làm gì và ngược lại, Nhà nước cũng phải kiểm soát được các hoạt động của DN theo đúng khung khổ luật pháp đã định. Đơn cử với chính sách tự kê khai thuế, điều quan trọng là Nhà nước phải đảm bảo rằng, các DN làm ăn đúng luật sẽ không bị thiệt so với các DN cố tình trốn tránh. Sự minh bạch và công khai cần cả từ hai phía. |
Ở đây, sự minh bạch mà giới DN cần không chỉ dừng lại ở công khai các thủ tục về thành lập DN, về đầu tư, về các biểu mẫu… như đa phần các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… đã thực hiện và được ghi nhận là hiệu quả tốt, mà hơn thế, DN cần sự minh bạch về đầu mối làm việc, về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, cấp chính quyền với các DN… và đặc biệt là sự minh bạch và công khai trong những thủ tục liên quan tới trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc DN thành viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phàn nàn rằng, hiện nay, DN trong ngành đang phải chịu toàn bộ chi phí cho các hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm tra điều kiện sản xuất của DN và kiểm tra các lô hàng trước khi xuất khẩu trong khi vẫn phải đầu tư các hệ thống đảm bảo chất lượng theo yêu cầu sản xuất kinh doanh.
“Chi phí này hiện vượt quá sức chịu đựng của DN, khoảng 100 USD cho mỗi lô hàng. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ quy định tách bạch rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của DN trong vấn đề này. Ngân sách phải chịu toàn bộ chi phí cho hoạt động của các cơ quan thực hiện các yêu cầu quản lý của nhà nước”, bà Sắc đề nghị.
Ngay trong việc thực thi Luật DN và Luật Đầu tư, hai bộ luật được đánh giá là đại diện khá tiêu biểu cho nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ, cho tới thời điểm này, hàng loạt những thông tin vẫn đang nằm trong vùng… không phủ sóng. Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, thẳng thắn rằng, cùng với việc chưa rõ về một số khái niệm thì các hướng dẫn thủ tục về lĩnh vực đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư, hình thức và nội dung của dự án đầu tư không xây dựng công trình, nội dung và yêu cầu thẩm tra hay thẩm định và các cơ quan có thẩm quyền… vẫn chưa có hướng dẫn.
“Đặc biệt, hiện đang có những vấn đề phát sinh do sự không tương thích giữa các văn bản pháp luật có liên quan như các quy định về phân loại dự án đầu tư, hình thức và nội dung thể hiện dự án đầu tư, trình tự, thủ tục, hồ sơ và thẩm quyền thẩm tra, căn cứ hay tiêu chí thẩm tra (thẩm định), hiệu lực pháp lý của các kết quả này giữa Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…”, ông Ân cho biết.
Liên quan đến thông tin về chính sách, văn bản pháp luật, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, DN không chỉ cần thông tin khi các bản dự thảo cuối cùng đã hoàn thành, mà quan trọng hơn, DN muốn có được những thông tin ngay từ khi các ý tưởng về chính sách đó, về những kế hoạch thay đổi, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội… “Đẩy mạnh hơn công khai, minh bạch có nghĩa là tăng khả năng tiên liệu được cho môi trường kinh doanh. DN vì vậy có thể có các chiến lược kinh doanh dài hơi hơn, tình trạng tham nhũng có thể hạn chế hơn khi các thông tin được giám sát rộng rãi”, ông Lộc bình luận.