Cần làm rõ quyền khởi kiện của người dân

Nhiều chuyên gia đang đề nghị rằng, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) cần làm rõ và cho phép người dân có quyền khiếu kiện các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân gây ô nhiễm môi trường.
Cần làm rõ quyền khởi kiện của người dân

Theo Luật BVMT hiện hành, quy định về quyền khởi kiện quá sơ sài, với một câu duy nhất tại Điều 128 là: “Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại toà án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

“Tổ chức, cá nhân ở đây được hiểu là, tất cả các tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp về môi trường bị xâm phạm. Vậy thì, trong trường hợp quyền và lợi ích chung về bảo vệ môi trường bị xâm phạm (tình trạng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, suy thoái...) thì ai là người có quyền khởi kiện?”, luật sư Vũ Thị Duyên Thủy, người hiện đang tham gia vào một dự án góp ý kiến vào Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam bình luận.

Theo luật sư Thủy, các quy định hiện hành trong Luật BVMT 2005 đang gây ra nhiều khó khăn trong việc xử lý nghiêm việc vi phạm môi trường và đảm bảo quyền lợi của những người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm.

Ví dụ, vào năm 2008, Công ty Vedan (Đài Loan) bị bắt quả tang khi đang xả nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải, chảy qua địa phận TP.HCM và 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, làm ô nhiễm trầm trọng dòng sông và ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của hàng ngàn người dân. Trước áp lực của dư luận, đặc biệt là khi các siêu thị và người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của Vedan, thì công ty này đã phải chấp nhận đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.

Theo bà Thủy, nếu như vụ việc này phải giải quyết tại tòa án, thì toà án phải thụ lý cả ngàn vụ án dân sự, vì người bị thiệt hại lên tới con số hàng ngàn người. Song, thiệt hại của mỗi người lại không như nhau, nên không thể là “đồng nguyên đơn dân sự”. Nếu phải xét xử, một toà án cấp huyện cùng một lúc phải thụ lý và giải quyết hàng ngàn vụ án, sẽ tiến hành xét xử như thế nào, trong khi mỗi toà án cấp huyện nhiều lắm cũng chỉ khoảng 10 thẩm phán.

“Không thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra khi một toà án cấp huyện phải xét xử hàng ngàn vụ án trong một thời gian nhất định”, bà Thủy nói.

Một vụ việc khác, gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Thanh Hóa cũng muốn khởi kiện tập thể Công ty Nicotex Thành Thái (sản xuất thuốc trừ sâu), vì công ty này đã chôn giấu nhiều hóa chất độc hại trong lòng đất tại khuôn viên của công ty. Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, kết quả phân tích môi trường (nước, đất) trong khuôn viên của công ty này cho thấy, hàm lượng các chất độc hại trong đất đã vượt tiêu chuẩn cho phép vài ngàn  lần.

Tuy nhiên, các hộ dân ở đây đã không thể khởi kiện tập thể được, do quy định hiện hành không cho phép. Do vậy, họ phải làm đơn khởi kiện riêng lẻ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM kiến nghị, Luật BVMT nên được sửa đổi theo hướng cho phép người dân bị thiệt hại do hành vi ô nhiễm môi trường gây ra được có quyền khởi kiện tập thể.

Theo dự thảo mới nhất của Luật BVMT (sửa đổi), “Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) này hiện đang được các chuyên gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, dự kiến sẽ được thông qua vào Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa 13 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây.

Tuy vậy, Dự thảo cũng không quy định rõ việc người dân sẽ thực hiện quyền khởi kiện đó như thế nào và cũng không làm rõ thế nào là “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Giám đốc quốc gia, kiêm Trưởng ban Phát triển bền vững của UNDP, nhấn mạnh rằng, Luật BVMT mới rất cần quy định rõ các quyền của người dân trong việc khởi kiện, đặc biệt là khởi kiện tập thể đối với các đối tượng gây ô nhiễm, cũng như quy định rõ các biện pháp thực hiện các quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội, dân sự và các cộng đồng dân cư trong việc thực hiện các vụ khởi kiện như vậy.

Theo bà Thủy, trong những trường hợp như Vedan, nếu UBND của 3 địa phương đứng nguyên đơn kiện Công ty Vedan ra toà án, thì chỉ có vài ba vụ án và việc giải quyết của toà án cũng sẽ dễ dàng hơn và cũng chính xác hơn. Như vậy, quyền lợi của hàng ngàn người sống ở ven sông Thị Vải vẫn được bảo vệ.

“Việc cho phép khởi kiện tập thể sẽ không những tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn giảm áp lực cho tòa án trong việc giải quyết các vụ án”, ông Hậu nhấn mạnh.        

Thanh Tùng(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục