“Một số ý kiến cho rằng, chúng ta đang đánh mất ngành dịch vụ này vào tay các doanh nghiệp FDI, nhưng qua những số liệu phản ánh thực trạng DN logistics, tôi nhận thấy chúng ta chưa lấy được nhiều thị phần chứ không phải mất”, ông Lịch phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức vào cuối tuần qua tại TP. HCM.
Những con số đánh giá năng lực của ngành logistics đáng chú ý đó là Việt Nam hiện có khoảng 1.300 DN dịch vụ logistics. DN Việt Nam chiếm 25% thị phần, còn lại là thị phần của các DN logistics FDI, trong khi các DN này chỉ chiếm 4-5% số lượng DN. Vốn điều lệ bình quân của các DN logistics Việt Nam vào khoảng 4-6 tỷ đồng, đã cao hơn 3-4 lần so với trước năm 2007. Bình quân các DN vừa và nhỏ có khoảng 30-40 lao động, các DN lớn có từ 100 lao động trở lên, tuy nhiên, chỉ có khoảng 5-7% số lao động là có đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Việc nền kinh tế gặp khó khăn trong vài năm qua đã khiến DN trong nhiều ngành nghề khác nhau chịu cảnh thua lỗ, ngưng hoạt động, vậy nhưng, có đến 80% số DN logistics kinh doanh đạt và vượt kế hoạch, 70% DN làm ăn có lãi. Nhiều DN còn đang phát triển các loại hình DN tích hợp logistics, có hàm lượng giá trị gia tăng cao như 3PL (third party logistics) và 4PL (fourth party logistics).
“Vốn và nhân lực có hạn nhưng các DN logistics Việt Nam vẫn phát triển được như vậy, việc chiếm thị phần nhỏ so với DN FDI phải chăng là do chúng ta thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay do quy luật khách quan của thị trường và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn?” ông Lịch đặt câu hỏi và cho rằng, để phát triển ngành này, cần làm rõ 2 vấn đề: logistics là ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam có lợi thế phát triển nhằm tăng tỷ trọng trong cơ cấu GDP, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và vấn đề phát triển DN logistics Việt Nam. Chính sách cho 2 mục tiêu trên có điểm chung nhưng cũng có điểm riêng, cần được làm rõ.
Kiến nghị các giải pháp nhằm phát triển ngành logistics Việt Nam, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, theo kinh nghiệm các nước trong khu vực, về mặt quản lý nhà nước, nên thành lập Ủy ban Phối hợp về logistics quốc gia Việt Nam nhằm giám sát thực thi các cải cách và can thiệp trong lĩnh vực logistics; cần có một kế hoạch hành động logistics quốc gia của Chính phủ xuyên suốt trong thời kỳ từ nay đến năm 2020 và 2030; cần có thống kê quốc gia về logistics và các bộ chỉ số đánh giá logistics dựa vào các chuẩn mực khu vực và thế giới.
“Nên có Luật Logistics Việt Nam, nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta cần sửa đổi Luật Thương mại. Theo đó, logistics cần được dành hẳn một chương ở vị trí là hoạt động thúc đẩy thương mại (như quảng cáo, xúc tiến…), chứ không là dịch vụ khác”, ông Quang đề nghị.
Về vấn đề xây dựng luật riêng cho logistics, TS Trần Du Lịch cho rằng, không cần xây dựng một luật riêng mà nên rà soát lại các luật đang có sửa đổi, nhằm tạo ra sự đồng bộ và tránh mâu thuẫn với nhau. Ông Lịch cũng đề nghị VLA rằng, những DN logistics Việt Nam tương đối mạnh và tiêu biểu hiện nay cần hợp tác để tạo thành loại hình DN “logistics tự cung cấp” mang thương hiệu quốc gia trong quan hệ toàn cầu. Đây là các DN sở hữu phương tiện vận tải, nhà xưởng, kho bãi, thiết bị xếp dỡ và tất cả nguồn lực khác để thực hiện dịch vụ logistics.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ Công thương ông Vũ Huy Hoàng đã ban hành Quyết định 7543 thành lập Ban soạn thảo kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn làm Trưởng ban, thành phần gồm đại diện các bộ, ngành, hiệp hội khác. Kế hoạch hành động này được hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo nền cơ chế thuận lợi để các DN logistics Việt Nam phát huy hết sức mạnh.