Cần có án lệ về kinh doanh thương mại

(ĐTCK) Trong số 6 án lệ đầu tiên (ban hành vào tháng 4/2016), không có án lệ nào trong lĩnh vực tranh chấp kinh doanh thương mại. 
Cần có án lệ về kinh doanh thương mại

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong kinh doanh thương mại, còn nhiều vấn đề chưa thống nhất xét xử và có nhiều cách hiểu khác nhau, đòi hỏi phải có án lệ để giải quyết vấn đề này.

Trong đợt chọn án lệ tháng 4 vừa qua, vụ VietinBank kiện đòi nợ Công ty TNHH Ngọc Quang đã được đưa ra xem xét.

Cụ thể, năm 2006, VietinBank khởi kiện đòi nợ Công ty TNHH Ngọc Quang. Ngân hàng đã cho công ty này vay hơn 12 tỷ đồng nợ gốc và công ty đưa nhiều tài sản (nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất…) để cầm cố, thế chấp, bảo lãnh cho khoản vay. Quá trình giải quyết vụ án, Ngân hàng rút đơn khởi kiện và căn cứ vào các điều khoản về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp trong hợp đồng để bán các tài sản trên. Do số tiền thu về vẫn chưa đủ nợ gốc và lãi, VietinBank tiếp tục khởi kiện. Tuy nhiên, Công ty Ngọc Quang không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và cho rằng, Ngân hàng đã tự ý bán tài sản của Công ty, trong đó có cả những tài sản không thuộc diện cầm cố, thế chấp, toàn bộ hồ sơ sổ sách của Công ty cũng đã được bàn giao cho bên mua. Vụ kiện đã trải qua cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm này được đánh giá có chứa vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và thỏa thuận này không trái quy định của pháp luật, thì tài sản bảo đảm được xử lý theo phương thức mà các bên đã thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc có căn cứ xác định thỏa thuận của các bên về phương thức xử lý tài sản bảo đảm bị vô hiệu thì mới áp dụng phương thức xử lý tài sản bảo đảm do pháp luật quy định để giải quyết (như bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, nhà ở…).

Vụ kiện này đặt ra câu hỏi: Liệu ngân hàng có được quyền tự bán tài sản để thu hồi nợ? Liệu khi bán tài sản đảm bảo, ngân hàng có cần tuân thủ theo quy trình nhất định nào đó chẳng hạn như định giá, bán đấu giá công khai? Nếu thực sự ngân hàng được quyền tự bán tài sản cầm cố, thế chấp, về phía ngân hàng đây là tín hiệu vui cho việc xử lý nợ, nhưng các doanh nghiệp có lẽ cần suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, vụ kiện này cũng như một số án kiện trong lĩnh vực kinh doanh thương mại khác đã không đạt đủ tỷ lệ phiếu bầu để được lựa chọn làm án lệ.

“Dù vậy, trong kinh doanh thương mại, chắc chắn, còn nhiều vấn đề chưa thống nhất xét xử và còn nhiều cách hiểu khác nhau và cần thiết có án lệ để giải quyết vấn đề này”, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét.

Luật sư Chi lấy ví dụ, khi cho vay, ngân hàng đòi lãi suất, nếu nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn. Nhưng khi khách hàng không trả được nợ, ngoài lãi trong hạn, lãi quá hạn, ngân hàng còn đòi phạt chậm trả, đòi trả lãi trên số lãi chậm trả. Có thể dễ dàng bắt gặp những yêu cầu trên trong nhiều vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, khách hàng lại không chấp nhận yêu câu đó của ngân hàng vì cho rằng đó là lãi chồng lãi.

Cũng liên quan đến cách hiểu về lãi suất, Bộ luật Dân sự quy định lãi suất do đương sự tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, quy định này từng dẫn đến nhiều tranh cãi tại tòa, bởi Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cho vay. Từng có phiên tòa, HĐXX đã phải lấy trung bình lãi suất cho vay có thời hạn tương ứng của 3 ngân hàng để tính ra lãi suất áp dụng cho tranh chấp.

Được biết, theo Nghị quyết 03/NQ-HĐTP thì cứ 6 tháng một lần, tòa án sẽ rà soát, phát hiện các bản án để đề xuất án lệ. Sau khi tập hợp các bản án, quyết định được đề xuất, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) sẽ tập hợp và công bố công khai để lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong vòng 2 tháng. Trong 1 tháng tiếp theo, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học sẽ chủ trì tập hợp các ý kiến, nghiên cứu, đánh giá những nội dung của bản án để trình TAND Tối cao xem xét việc lấy ý kiến của Hội đồng Tư vấn án lệ. Sau khi nhận được Hồ sơ đề nghị tư vấn án lệ, Chủ tịch Hội đồng sẽ tổ chức phiên họp và thảo luận. Các thành viên của Hội đồng tư vấn án lệ sẽ biểu quyết thông qua từng án lệ (tỷ lệ quá bán).

Đợt án lệ đầu tiên được thông qua ngày 6/4/2015, như vậy, đến tháng 10/2015, sẽ có thêm những án lệ mới được công bố.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục