Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ACV chỉ bán 3,7% ra công chúng, tương 77.804.122 cổ phần, bán cho nhà đầu tư chiến lược 20% vốn, công đoàn 0,13%, người lao động 0,99% còn lại nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn của ACV sau cổ phần hóa.
Mức giá khởi điểm trong đợt chào bán này được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt là 11.800 đồng/CP, như vậy, thị trường sẽ cần khoảng 918 tỷ đồng để mua hết số cổ phần ACV chào bán ra công chúng.
Quản lý 22 cảng hàng không trong đó 7 cảng hàng không quốc tế
ACV có vốn điều lệ 22.430,98 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, kho hàng hóa…
ACV hiện đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước trong đó có 7 cảng hàng không quốc tế, có 2 cảng hàng không đang vượt công suất khai thác là Tân Sơn Nhất (vượt công suất 10,77%) và Cam Ranh (37,5%), Cảng hàng không Nội bài hiện mới đạt 56,76% công suất, Đà Nẵng đạt 83,16% công suất. Trong năm 2014, số lượt khách qua 3 cảng Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất chiếm 81,33% tổng số lượt khách qua cảng hàng không tại Việt Nam. Các cảng Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Vinh cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh.
ACV có 4 công ty con là CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO – chiếm 51%), CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS-55,51%), CTCP dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC - 60%) và CTCP thương mại hàng không Cam Ranh (51%).
Sản lượng vận chuyển tại các cảng hàng không của ACV tăng đều qua các năm, trong đó tốc độ tăng trưởng hành khách năm 2013 là 17,34% và năm 2014 là 15,08%, tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bưu kiện là 16,25% năm 2013 và 14,33% năm 2014.
Kết quả kinh doanh của ACV
Hoạt động kinh doanh của ACV được tách thành 3 phần chính: dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không và bán hàng. Trong đó 80% doanh thu đến từ dịch vụ hàng không, nguồn thu này tăng liên tục qua các năm, đạt khoảng 5.000 – 6.400 tỷ nhờ tốc độ tăng trưởng khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa qua cảng và số lượt máy bay hạ cất cánh tại các cảng.
Nguồn dịch vụ phi hàng không chiếm hơn 10% doanh thu, hình thành chủ yếu từ hoạt động khai thác không gian và diện tích mặt bằng trong nhà ga do ACV quản lý như cho thuê văn phòng, cho thuê mặt bằng quảng cáo, phí bến giữ xe.
Hoạt động bán hàng chiếm lần lượt 6,5%, 8,44% và 8,32% trong các năm 2012-2014 chủ yếu từ hoạt động bán hàng miễn thuế, đồ lưu niệm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh các sản phẩm tiện ích.
Lợi nhuận sau thuế của ACV cũng tăng đều qua các năm, mức tăng 53,6% năm 2013 và 9,3% năm 2014, 6 tháng đầu năm 2015 ACV đạt lợi nhuận sau thuế 533 tỷ đồng, ROE năm 2014 là 12,29% và ROA đạt 5,83%.
Tại thời điểm 31/12/2014, tổng dư nợ các hợp đồng vay ODA của ACV là 67,9 tỷ JPY chủ yếu phục vụ cho mục đích đầu tư dự án nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài, do đó các diễn biến của đồng yên Nhật sẽ tác động đến KQKD của ACV.
Sau khi cổ phần hóa, ACV đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hàng năm khoảng 3%, sau 5 năm tăng 12%, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân 12% trong 5 năm, cổ tức 5%/năm, tiếp tục khai thác các cảng hàng không hiện hữu và đầu tư cảng hàng không Long Thành.
Với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế và du lịch Việt Nam, sản lượng hành khách và hàng hóa nội địa luân chuyển qua các cảng hàng không của ACV được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ sẽ góp phần kích thích thị trường hàng không và có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu của ACV trong thời gian tới. Do đó, với mức giá khởi điểm 11.800 đồng/CP được đánh giá là cơ hội đáng xem xét để đầu tư.