Những chủ đầu tư lâm vào cảnh “ế nhà”
Đã nhiều tháng nay, căn hộ tầng 16 tại khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội của anh Dũng (trưởng phòng cấp cao của một công ty công nghệ) phải bỏ trống, không có khách thuê. Gia đình anh ở một khu chung cư khác cách đó 15 km, nơi gần công ty anh hơn để tiện đi lại.
“Mới đầu dịch vẫn có một gia đình thuê nhà tôi, nhưng dịch kéo dài lại thêm 2 tháng giãn cách xã hội, vợ chồng họ không có thu nhập ổn định, đành trả nhà để tìm một địa điểm khác phù hợp hơn dù tôi cũng đã ít nhiều hỗ trợ giá thuê cho họ. Thế là nhà bỏ trống từ tháng 8 tới giờ”, anh Dũng tâm sự.
Trước đó, căn hộ anh Dũng cho thuê với giá 22 triệu đồng/tháng, sau khi gia đình người thuê trước chuyển đi, anh đăng tin cho thuê với giá 18 triệu đồng/tháng, thậm chí nếu khách hàng đồng ý thuê lâu dài từ 1 năm trở lên, anh sẵn sàng rút xuống còn 16 triệu đồng/tháng nhưng 4 tháng nay anh vẫn chưa nhận được liên hệ nào.
Không chỉ có anh Dũng, nhiều nhà đầu tư bất động sản cho thuê khác cũng lâm vào cảnh “ế nhà”. Các sản phẩm căn hộ dịch vụ, mặt bằng nhà phố và văn phòng… đìu hiu, không thể cho thuê dù giảm giá sâu vì khách thuê cũng gặp khó khăn về tài chính.
“Việc không thể cho thuê nhà kéo theo nhiều hệ lụy”, chị Hương – một chủ nhà cho thuê căn hộ dịch vụ dành cho phân khúc khách hàng tầm trung ở quận Đống Đa cho hay. “Tiền đầu tư ban đầu rất lớn. Đa số những chủ nhà như chúng tôi thường sẽ phải vay ngân hàng, sau đó lấy tiền cho thuê hàng tháng để trả lãi. Giờ không cho thuê được, nhà cứ nằm im đấy thì chẳng khác nào để rơi mất tiền”.
Không chỉ các chủ đầu tư bất động sản cho thuê ở phân khúc cao cấp gặp khó khăn mà những căn hộ tầm trung cũng không “đắt” khách thuê. |
Những căn nhà, văn phòng để trống, không có người thuê vẫn cần được dọn dẹp thường xuyên, kiểm tra định kỳ hệ thống điện nước, tệ hơn nữa nếu quá lâu không có người ở, căn nhà sẽ xuống cấp trầm trọng.
Chị Hương đã phải sơn sửa lại 4 căn phòng trống vì các mảng tường bị bong tróc, gây mất thẩm mỹ. Nếu không tu sửa, có khách đến xem nhà để thuê họ cũng sẽ không chọn lựa.
Anh Dũng còn tốn thêm chi phí khác ngoài chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Anh vẫn phải trả tiền dịch vụ cho ban quản lý tòa nhà mỗi tháng vài triệu, cộng thêm công sức, xăng xe đi lại ít nhất mỗi tuần một lần từ nhà đến căn hộ cho thuê để kiểm tra hoặc dẫn khách xem nhà.
Anh tự mình đăng tin, tìm khách chứ không thông qua một bên thứ ba cũng là để tiết kiệm chi phí. “Tính ra, tôi thiệt đơn thiệt kép”, anh Dũng thở dài.
Theo nhận xét của một chuyên gia bất động sản, những khó khăn của thị trường bất động sản cho thuê không phải chỉ diễn ra trong một thời điểm ngắn mà kéo dài trên diện rộng, và chưa thể đánh giá được thiệt hại.
Việc chủ đầu tư, chủ mặt bằng cho thuê dù đã giảm giá nhưng cũng không cứu vãn được tình thế khiến nhiều nhà đầu tư quyết định chuyển hướng sang đầu tư chứng khoán – một kênh đầu tư được xem là hiệu quả hơn bất động sản cho thuê trong thời điểm hiện tại.
Và sự chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán
Vợ chồng chị Hà Thủy cũng sở hữu một căn hộ nhỏ cho thuê tính toán: “Trước dịch, chị cho thuê căn hộ 70m2, 2 phòng ngủ với giá 12 triệu/tháng, tính ra một năm chị có 144 triệu chưa trừ chi phí vận hành. Nhưng nếu đầu tư chứng khoán, cùng với số vốn bỏ ra hơn 3 tỷ thì chỉ cần có chiến lược giao dịch phù hợp với từng giai đoạn của thị trường thì chị sẽ nhận được lãi suất ít nhất từ 10-15% sau một năm, đâu đó khoảng hơn 300 triệu đồng”.
Đồng quan điểm với chị Hà Thủy, anh Hải Đăng cũng bàn bạc với vợ thay vì mua căn hộ để cho thuê lại thì sẽ đầu tư chứng khoán. Sau giai đoạn khó khăn này của bất động sản, nếu tình hình khởi sắc hơn thì anh chị sẽ xem xét lại kế hoạch.
“Nhiều người thấy rằng cho thuê nhà sẽ đều đặn nhận được một món tiền hàng tháng. Đó là con số cố định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố ngoại cảnh nên xem đó là kênh đầu tư tương đối hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, bất động sản cho thuê lao đao, gặp nhiều khó khăn nên việc chuyển hướng sang một kênh đầu tư hấp dẫn như chứng khoán là xu thế tất yếu”, anh Đăng nhận định.
Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Chỉ số VN-Index có thời điểm vượt 1.500 điểm, thanh khoản thị trường tăng cao, thu hút làn sóng các nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường. Dự kiến đến năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chào đón 10 triệu nhà đầu tư, gấp gần 3 lần con số 3,5 triệu nhà đầu tư hiện tại.
Nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường chứng khoán – một kênh đầu tư được đánh giá là sinh lời tối ưu nhất trong giai đoạn hiện tại. (Ảnh minh họa). |
Anh Đăng chia sẻ thêm: “Năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam rất khởi sắc, trái ngược hoàn toàn so với bất động sản cho thuê. Cùng một số vốn đầu tư, chứng khoán có thể thu được lãi suất từ tốt đến rất tốt phụ thuộc vào chiến lược giao dịch của từng nhà đầu tư, còn bất động sản thì sao? Ai cũng đã có câu trả lời cho riêng mình”.
Đầu tư chứng khoán nếu chọn chiến lược nắm giữ trung và dài hạn thì phải có một tâm lý cực kỳ vững vàng, bởi khi trải qua những con sóng của thị trường, tài khoản không giữ được sắc xanh khiến nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm sốt ruột, lo lắng sẽ không gỡ lại được tiền nên bán tháo, từ đó cho rằng đầu tư chứng khoán không hiệu quả.
Hoặc một số nhà đầu tư đã quen nhận một số tiền cho thuê từ bất động sản hàng tháng, nay không có thì cũng khá e dè.
Không cần vốn lớn như đầu tư bất động sản, nhà đầu tư chứng khoán có thể gia nhập thị trường một cách thận trọng với số vốn nhỏ trước, sau đó dần dần nâng số tiền đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, đầu tư chứng khoán sẽ dễ sinh lời hơn bất động sản, nhà đầu tư sớm nhận được quả ngọt.
“Số tiền trong tài khoản chứng khoán của tôi vốn là tiền hai vợ chồng dành ra để mua nhà rồi cho thuê lại – nay đã lãi gần 50% so với hồi tháng 3. Ít nhất cho tới thời điểm này, tôi thấy mình đã lựa chọn được một kênh đầu tư đúng đắn. Tất nhiên vừa có tiền đầu tư chứng khoán, vừa có tiền đầu tư bất động sản cho thuê thì là tốt nhất”, anh Đăng cười.
“Đầu tư chứng khoán hay đầu tư bất động sản cho thuê đều có những ưu điểm và nhược điểm, tuy nhiên nhà đầu tư khôn ngoan là nhà đầu tư lựa chọn được kênh đầu tư phù hợp và đem lại mức sinh lời tối ưu nhất với từng giai đoạn của thị trường”, anh Đăng nói.