Cần 51.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng trạm sạc tại các tuyến cao tốc tới năm 2050

VAMA đã kiến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các dòng xe hybrid ưu đãi hơn nữa để đóng góp nhanh vào mục tiêu giảm phát thải ngành ô tô, đồng thời không phải chịu áp lực đầu tư lớn cho hạ tầng trạm sạc cho xe điện.
Lưu thông trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Lưu thông trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Đầu tư hạ tầng sạc điện: cả núi tiền

Theo kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thuế TTĐB với xe tự sạc không cần hệ thống sạc điện riêng (HEV) sẽ bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%) và đối với xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng (PHEV) sẽ bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%).

Lý giải cho đề xuất này, VAMA cho hay, hiện nay Chính phủ đang tập trung nhiều ưu đãi cho các dòng xe thuần điện (BEV), bao gồm việc giảm thuế TTĐB, thuế nhập khẩu linh kiện, và các lệ phí nhằm mục tiêu khuyến khích việc sử dụng các dòng xe này ở Việt Nam.

Mặc dù cũng được hưởng lợi từ các ưu đãi dành cho xe BEV nhưng VAMA vẫn thẳng thắn cho rằng, quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng xe động cơ đốt trong (ICE) sang xe thuần điện (BEV) tại Việt Nam hiện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, tình trạng thiếu điện, cơ cấu nguồn cung điện còn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, cũng như thói quen của người tiêu dùng.

Cụ thể, theo tính toán của các chuyên gia được VAMA dẫn chứng, nếu muốn đạt mục tiêu có toàn bộ phương tiện lưu hành là xe điện sẽ cần vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, (tương đương 51.000 tỷ đồng) để phát triển hạ tầng trạm sạc trên các tuyến cao tốc cho giai đoạn 2025-2050.

Con số này cũng khiến cho quá trình xây dựng hệ thống trạm sạc để đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi của người tiêu dùng cần thời gian và nguồn lực phù hợp.

Bên cạnh đó, tình trạng nguồn cung cấp điện không ổn định, đặc biệt là vào mùa khô và ở các vùng sâu vùng xa, cũng là một thách thức đối với việc phổ biến xe điện tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD trong năm 2023 do thiếu điện, tương đương 0,3% GDP. Việc mất điện cục bộ vẫn xảy ra ngay tại thành phố lớn như Hà Nội trong mùa hè năm 2023. Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vẫn còn hơn 2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận với điện lưới quốc gia.

Thêm vào đó, hiện tại, nhiệt điện chạy than vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu để cung cấp cho nền kinh tế. Riêng năm 2023, tỷ trọng sản lượng điện từ than chiếm khoảng 45% sản lượng điện của cả nước - điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch để sản xuất điện, làm tăng mức phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.

Trước các thực trạng này, VAMA cũng cho rằng, việc chuyển đổi sang sử dụng xe BEV cần một lộ trình phù hợp, đồng thời các dòng xe lai xăng - điện (Hybrid), bao gồm HEV và PHEV, cần được cân nhắc như một lựa chọn trong giai đoạn chuyển tiếp. Bởi vì, với cơ chế hoạt động kết hợp giữa động cơ điện và động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, HEV và PHEV không phụ thuộc nhiều vào hệ thống trạm sạc và nguồn điện như BEV. Trong khi đó, với dòng xe HEV hoàn toàn (Full HEV) có các chức năng tắt – khởi động (‘Stop-start’) động cơ, hệ thống phanh tái sinh và mô-tơ điện dẫn động (trong đó, riêng mô-tơ điện có khả năng đẩy xe từ trạng thái đứng yên) giúp tiết kiệm khoảng 30% nhiên liệu sử dụng, và dòng xe PHEV khoảng 50% từ đó giảm lượng phát thải CO2 tương ứng.

Trên 70% người dùng xe pick-up chở hàng cabin kép đến từ khu vực các tỉnh thành phố khác ngoài TP.HCM và Hà Nội.

Trên 70% người dùng xe pick-up chở hàng cabin kép đến từ khu vực các tỉnh thành phố khác ngoài TP.HCM và Hà Nội.

Giữ nguyên thuế TTĐB với xe pick up cabin kép

Cũng góp ý vào Dự thảo sửa đổi luật thuế TTĐB, VAMA đã đề xuất giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB như hiện hành đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép.

Theo lý giải của VAMA, xe pick-up chở hàng cabin kép chủ yếu được sử dụng ngoài khu vực đô thị, với công năng chính là vận tải hàng hóa, phục vụ kinh doanh vừa và nhỏ và hoạt động công vụ của các cơ quan chức năng.

Cụ thể, theo số liệu của VAMA, trong vòng 5 năm qua, trên 70% người dùng xe pick-up chở hàng cabin kép đến từ khu vực các tỉnh thành phố khác ngoài TP.HCM và hà Nội.

Trong những phân khúc khách hàng, các cơ quan doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 36%, khách hàng cá nhân chiếm 64%, chủ yếu bao gồm các cá nhân kinh doanh tự do, nhân viên công ty, kỹ sư, nông dân… có nhu cầu mua xe xe pick-up chở hàng cabin kép phục vụ mục đích vận tải, kinh doanh thương mại với quy mô vừa và nhỏ.

VAMA cũng cho hay, các nước trong khu vực có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia vẫn xem xe pick-up chở hàng cabin kép là một trong những nguồn lực quan trọng giúp phát triển kinh tế và nhận được nhiều ưu đãi, bao gồm các ưu đãi về thuế TTĐB.

Ngoài ra, theo các phân tích và tính toán định lượng, việc tăng thuế suất thuế TTĐB cao hơn cho xe pick-up chở hàng cabin kép sẽ mang lại nhiều tác động bất lợi, bao gồm giảm thu ngân sách nhà nước (ước tính 7.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2030), biến động trên thị trường ô tô (giảm 36% lượng tiêu thụ), tổn thất cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào dây chuyền sản xuất, tăng chi phí và hạn chế khả năng mua mới phương tiện của nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Hoàng Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục