Đầu tư trạm sạc xe điện: Bài toán “con gà - quả trứng”

0:00 / 0:00
0:00
Các bên sẵn sàng chấp nhận gồng lỗ trong vòng 2-5 năm tới để phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc xe điện phủ sóng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đi đường dài, cần có nhiều hơn thương vụ bắt tay giữa nhà sản xuất, bên cung cấp chuyên dụng và Chính phủ.
Trạm sạc xe điện của VinFast tại Vincom Plaza Long Biên. Trạm sạc xe điện của VinFast tại Vincom Plaza Long Biên.

Cú hích từ V-Green

Công ty cổ phần Phát triển trạm sạc toàn cầu V-Green (do VinFast thành lập và sở hữu 90% cổ phần) vừa công bố thông tin sẽ trở thành đơn vị tiên phong triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại Việt Nam, trở thành cú hích cho các bên liên quan trong lĩnh vực này. Động thái này mở ra một lĩnh vực kinh doanh mới đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư cá nhân, các chủ sở hữu mặt bằng, cũng như các bên thứ ba chuyên cung cấp trạm sạc chuyên dụng cho xe điện.

V-Green cam kết đồng hành, chia sẻ doanh thu ở mức cố định 750 đồng/kWh điện sạc cho đối tác tối thiểu 10 năm.

V-Green còn hỗ trợ toàn bộ công nghệ quản lý vận hành, quản lý thu chi, bảo trì, bảo dưỡng, marketing thu hút khách hàng đến trạm sạc trong suốt quá trình triển khai hợp tác. V-Green cam kết đền bù cho các chủ trạm sạc nếu V-Green dừng kinh doanh trước hạn cam kết 10 năm.

Để tham gia “mạng lưới xanh” của V-Green, các đối tác chỉ cần đầu tư thêm trang thiết bị và hạ tầng đảm bảo cho việc vận hành trạm sạc. Ngoài doanh thu chia sẻ từ V-Green, các đối tác còn có thể gia tăng nguồn thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các chủ xe điện như chăm sóc xe, mua sắm, vui chơi giải trí trong thời gian chờ sạc.

Đặc biệt, các bãi gửi xe, cửa hàng xăng dầu, siêu thị, nhà hàng, khách sạn cũng sẽ có cơ hội mở rộng tệp khách hàng khi đầu tư kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green.

Mô hình kinh doanh này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh và xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng điện đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Dương, Tổng giám đốc V-Green, Công ty đang sở hữu mạng lưới trạm sạc dành cho ô tô và xe máy điện lớn nhất tại Việt Nam, với quy hoạch 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống, V-Green đang tích cực đẩy mạnh việc phủ sóng trạm sạc xe điện VinFast trên quy mô cả nước.

Cùng với các trạm sạc chính hãng do V-Green trực tiếp đầu tư, việc triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền sẽ huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa từ các đối tác trên khắp cả nước. Động thái này sẽ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phủ sóng và mở rộng mạng lưới trạm sạc tại Việt Nam. Trong tương lai, V-Green nghiên cứu triển khai mô hình này tại các thị trường quốc tế.

V-Green được Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng quyết định thành lập hồi tháng 3 năm nay nhằm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc để hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.

Giai đoạn đầu, V-Green sẽ trực tiếp tìm kiếm mặt bằng và đối tác để thiết lập, mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng điểm trên khắp thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác là đơn vị cung cấp trạm sạc bên thứ 3 để cung cấp dịch vụ sạc xe cho các chủ xe điện VinFast.

Sau khoảng 5 năm vận hành, tùy theo từng thị trường cũng như khả năng huy động thực tế, V-Green có thể cân nhắc chuyển sang mô hình kinh doanh dịch vụ sạc ô tô điện cho các hãng xe điện khác, ngoài VinFast.

Động thái mở rộng kinh doanh nhanh chóng của V-Green không lạ trong bối cảnh các hãng xe điện lớn nhất thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc đang tập trung mở rộng mạng lưới đại lý và cùng bên thứ 3 phát triển hệ thống trạm sạc trên toàn Việt Nam. Điển hình như Wuling (liên doanh General Motors - SAIC - Wuling) hợp tác với TMT Motors vừa cho ra mắt mẫu xe điện mini Hongguang.

Sau Wuling và Haval, Lynk & Co đặt chân tới thị trường Việt Nam trong năm 2023. Lynk & Co chính thức công bố đơn vị phân phối tại Việt Nam là Công ty cổ phần Tasco vào tháng 8/2023. Công ty này sở hữu Savico, một trong những nhà phân phối ô tô lớn nhất tại Việt Nam với số lượng xe tiêu thụ hàng năm chiếm hơn 11,2% thị phần.

Trong khi đó, giữa tháng 7/2024, BYD - thương hiệu xe điện có doanh số cao nhất Trung Quốc - chính thức giới thiệu 3 mẫu xe chủ lực của mình tại Việt Nam, bao gồm BYD Dolphin, BYD Atto 3 và BYD Seal.

Theo đại diện của BYD, Công ty không có kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc riêng, mà sử dụng chiến lược toàn cầu là hợp tác với các đối tác cung cấp trạm sạc bên thứ ba. Để phục vụ khách hàng tại Việt Nam, BYD cung cấp giải pháp sạc tại nhà bằng cách tặng kèm bộ sạc 7 kW và hỗ trợ lắp đặt miễn phí cho khách hàng có điều kiện sử dụng tại nhà.

Đối với những khách hàng có nhu cầu di chuyển xa hoặc đi liên tỉnh, BYD đã và đang phát triển hệ thống đại lý có trang bị trạm sạc. Hãng này đang xây dựng khoảng 20 đại lý và đang thảo luận với 20 nhà đầu tư khác để mở rộng hơn nữa mạng lưới này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, mức giá sạc điện ở các đại lý và trạm sạc dự kiến khoảng 9.000 đồng/kWh, tức gấp 3 lần mức giá ở các trạm sạc VinFast, nâng chi phí sử dụng xe điện lên đáng kể, tương đương xe chạy xăng.

Sau hơn 1 tháng ra mắt tại Việt Nam, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam tiết lộ, do xe điện vẫn còn mới mẻ với nhiều người dùng và cả đơn vị trong hệ thống phân phối, nên năm nay, BYD sẽ tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ thống mạng lưới và đội ngũ cho toàn bộ hệ thống đại lý.

“Mục tiêu của chúng tôi là phát triển 50 đại lý trong năm nay, 70 đại lý năm 2025 và đạt 100 đại lý vào năm 2026”, ông Lực cho biết.

Eboost thành lập EVIDA chuyên cung cấp trạm sạc xe điện.

Eboost thành lập EVIDA chuyên cung cấp trạm sạc xe điện.

Bài toán “con gà - quả trứng”

BYD không có chiến lược đầu tư trực tiếp vào trạm sạc. Nhưng đối với hệ thống đại lý phân phối của thương hiệu, việc đầu tư trạm sạc là yêu cầu bắt buộc. Mỗi đại lý phải có tối thiểu 2 trạm sạc nhanh, với công suất chủ yếu là 120 kW. Với công suất này, xe có thể sạc đầy trong khoảng 20 phút, đủ để di chuyển từ 400 - 500 km.

Công ty này cho biết đang nỗ lực làm việc với hơn 10 đối tác nhằm phủ hệ thống trạm sạc trên toàn Việt Nam. Công ty cũng cung cấp và lắp đặt miễn phí máy sạc tại nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, hãng cũng gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt liên quan quỹ đất và các vấn đề pháp lý khác.

Cụ thể, BYD đang nhắm tới phục vụ xe điện tại các thành phố lớn, nhưng quỹ đất tại những khu vực này rất khan hiếm, nên việc tìm kiếm đất để đầu tư trạm sạc là rất khó khăn.

Chưa kể, các khu chung cư có mật độ dân cư rất đông, nên việc lắp đặt trạm sạc tại đây gần như không khả thi do nhiều rào cản về không gian và hạ tầng.

Đại diện BYD Việt Nam cho biết, Công ty đang nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để giúp cư dân chung cư có thể tiếp cận trạm sạc dễ dàng hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, các quy định về trạm sạc vẫn chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn, các vấn đề về phòng cháy chữa cháy, hay kết nối điện thường rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ phía nhà đầu tư.

“Nếu có thêm các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư từ Chính phủ, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế trong một vài năm, hay hỗ trợ quỹ đất, thì việc đầu tư trạm sạc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều”, ông Lực nói.

Đây là lý do việc mua xe điện vì nhu cầu “tiết kiệm chi phí” sẽ trở thành một bài toán với những ai có ý định sạc ngoài trạm, thay vì sạc ở nhà khi mua xe điện BYD.

Trong khi đó, EBOOST - một start-up tiên phong cung cấp giải pháp sạc thông minh dành cho xe điện đến từ Thụy Sĩ cũng đang mong chờ trở thành đơn vị thứ ba cung cấp trạm sạc xe điện.

Theo bà Vũ Thị Thương Huyền, đại diện kinh doanh tại miền Bắc của Eboost, việc phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam còn một số khó khăn. Ở Việt Nam,

VinFast vẫn chiếm hơn 90% thị phần xe điện và cũng sở hữu trạm sạc lớn nhất. Theo chính sách thị trường không có độc quyền, việc các thương hiệu xe điện của Trung Quốc liên tục vào Việt Nam cho thấy điều đó. Tuy nhiên, trong việc phát triển trạm sạc, nhà đầu tư đứng trước bài toán “con gà - quả trứng”.

Cụ thể, hiện trạm sạc chưa nhiều, nên người tiêu dùng dè dặt với việc mua xe điện. Nếu các hãng xe điện nước ngoài không có chính sách đầu tư trạm sạc ở Việt Nam, thì đây là cơ hội, nhưng cũng không kém phần thách thức cho các bên thứ ba cung cấp trạm sạc chuyên biệt như Eboost.

“Eboost sẽ đầu tư, nhưng khi đầu tư thiết bị, phần mềm, con người vận hành, mà số lượng xe bán ra chưa nhiều thì sẽ bị lỗ. Chúng tôi xác định trong vòng 2 năm sẽ chưa có lợi nhuận. Với tình hình ở Việt Nam hiện nay, có thể tình trạng gồng lỗ sẽ kéo dài ít nhất 5 năm”, bà Huyền chia sẻ.

Được biết, Wuling và BYD mới bán được hơn 100 xe điện.

Bà Huyền cho biết thêm, chính sách của Chính phủ chưa thực sự hỗ trợ những đơn vị như Eboost để phát triển các trạm sạc. Các đơn vị lắp trạm sạc như Eboost gần như đang đầu tư 100% và chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào.

Ngoài ra, Eboost kỳ vọng các cơ quan quản lý có cơ chế tạo điều kiện cho khu chung cư bổ sung khu vực đặt trạm sạc. Chỉ cần ban quản lý, chủ đầu tư bố trí khu vực, cam kết đường điện khu vực, có người trông coi để họ tự tin cho đặt, sẽ giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, kích thích các bên đặt trạm sạc để phát triển xe điện.

Tuy có rất nhiều rào cản, nhưng Eboost vẫn tin tưởng, kiên trì với mục tiêu làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Sở dĩ đại diện Eboost tự tin vì công ty này vừa tiếp tục được “rót vốn” từ 3 quỹ đầu tư lớn. Từ việc phát triển các giải pháp sạc, Eboost đã thành lập EVIDA nhằm chuyển trọng tâm hoạt động kinh doanh chính sang sạc xe điện. Mục tiêu thương mại hóa sạc xe điện, mở rộng khắp Việt Nam với hơn 700 điểm sạc. Xa hơn nữa là mục tiêu phủ khắp các địa bàn trên cả nước.

Do đó, động thái của V-Green tăng tốc mở rộng mô hình nhượng quyền trạm sạc dành riêng cho xe điện của VinFast cho thấy cơ hội dần mở trong tương lai với bên cung cấp thứ ba, như Eboost.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục