UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn gửi Bộ GTVT phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh này, trong đó có Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài khoảng 60 km, gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km, quy mô quy hoạch 6 làn xe; đoạn tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, kết nối với tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài khoảng 16,44 km, quy mô 4 làn xe.
Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang triển khai Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, trong đó giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường Bnền =17m (chưa có làn dừng khẩn cấp) đối với đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m (có làn dừng khẩn cấp).
Tổng mức đầu tư Dự án là 11.029 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp (gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn huy động khác) là khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư dự án); vốn nhà nước tham gia dự án PPP là 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.
Trong trường hợp đầu tư tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng chiều dài khoảng 43,43 km đạt quy mô 6 làn xe tiêu chuẩn, nền đường 32,25m và mở rộng tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam chiều dài khoảng 16,44km đạt quy mô 4 làn xe, nền đường 22m cần 18.019,96 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Như vậy, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn thiếu khi xây dựng quy mô hoàn chỉnh theo phương án nói trên thiếu khoảng 7.315,59 tỷ đồng so với phương án đầu tư hiện hữu.
Điều đáng nói là Dự án BOT tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng không thuộc danh mục dự án tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư).
Trường hợp sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn phân kỳ dự án xong, đưa vào vận hành khai thác sử dụng; sau đó lại tiếp tục đầu tư nâng cấp đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT sẽ vướng quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP: “Đối với dự án quy định tại điểm b khoản 91 Điều 3 của Luật này, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng”.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn, hằng năm nhận cân đối khoảng 80% từ ngân sách Trung ương. Hiện nay nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh mới cân đối bố trí được 1.500 tỷ đồng cho dự án, còn lại phải tiếp tục cân đối bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2026-2030.
Tỉnh Lạng Sơn đã tập trung rà soát nguồn lực, cắt giảm danh mục dự án đầu tư công để bố trí vốn cho Dự án nhưng do nguồn ngân sách tỉnh cũng như kế hoạch đầu tư công còn rất hạn hẹp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án do đó nếu bổ sung phần vốn ngân sách nhà nước còn thiếu khi nâng cấp đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, tỉnh Lạng Sơn sẽ không đủ nguồn lực để thực hiện.
Để nâng cấp Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng T đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận: + Được áp dụng được áp dụng cơ chế theo Nghị quyết số 106/2023/QH15: tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.
Do Dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2024 và tổ chức khởi công nên UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung đủ nguồn vốn còn thiếu khi đầu tư quy mô cao tốc hoàn chỉnh bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương làm cơ sở để UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai các thủ tục điều chỉnh đầu tư.
“Trường hợp ngân sách nhà nước chưa bố trí kịp nguồn vốn còn thiếu để đầu tư quy mô cao tốc hoàn chỉnh. Đề nghị Bộ GTVT tại báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét cho Dự án được áp dụng loại hợp đồng PPP thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất.