Theo các số liệu dự báo chính thức được công bố đầu tuần này từ World Bank; trong giai đoạn 2017 – 2019, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ trở thành những nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ, với mức tăng trưởng kinh tế gần 7% mỗi năm.
Là một trong những quốc gia nhỏ nhất trong số các thị trường đang phát triển, quy mô nền kinh tế của cả 3 quốc gia này gộp lại chưa tới 100 tỷ USD. Con số này chỉ tương đương 1/3 giá trị nền kinh tế của những nước láng giềng như Singapore, Malaysia hay Philippines.
Nằm trong khu vực sông Mê-kông, các thị trường cận biên Đông Nam Á đang từng bước cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa hoạt động kinh tế.
Trong đó, Việt Nam, quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang xuất khẩu các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, là hình mẫu mà 3 nền kinh tế kể trên hướng tới, Eugenia Victorino, nhà kinh tế học tại Australia & New Zealand Banking Group nhận định.
Campuchia, Lào, Myanmar đều đang đi theo con đường mà Việt Nam đã trải qua
“Lời hứa hẹn chuyển đổi Mê-kông thành công xưởng của thế giới đang ngày càng trở nên tiềm năng. Việt Nam là một trong những ví dụ đi lên từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, dần chuyển trọng tâm sang xuất khẩu. Campuchia, Lào, Myanmar đều đang đi theo con đường mà Việt Nam đã trải qua. Đó là thu hút đầu tư FDI để làm động lực thúc đẩy xuất khẩu”, Victorina cho biết.
Bên cạnh đó, cả 3 quốc gia này đều đang dựa vào các khoản đầu tư từ Trung Quốc tại mọi lĩnh vực, từ đường sắt cho tới bất động sản.
Sau hàng thập kỷ do quân đội lãnh đạo, hiện tại Myanmar đang thực hiện việc cải tổ nền kinh tế theo hướng thị trường. Trung Quốc đã và đang trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này thông qua những dự án xây dựng các đặc khu kinh tế, những dự án năng lượng và các cảng nước sâu ở đường bờ biển phía Tây.
Dự báo tăng trưởng GDP một số quốc gia châu Á
Thị trường Campuchia cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất Trung Quốc vốn đang tìm kiếm địa điểm mới để định hình lại hoạt động sản xuất. Diễn biến này phù hợp với chiến lược xuất khẩu nhằm dãn mật độ sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc thông qua các dự án tiên phong như “Một vành đai, một con đường”.