Cấm tập trung kinh tế nếu gây hạn chế cạnh tranh đáng kể

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Luật Cạnh tranh sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây chỉ cấm tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh.

Thưa ông, quy định cấm tập trung kinh tế trong Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi khiến một số doanh nghiệp, chuyên gia lo ngại sẽ bị hạn chế trong việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp?

Luật Cạnh tranh không cấm các hành vi tập trung kinh tế, bao gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp, nếu các giao dịch này không gây tác động hoặc không có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. 

Tập trung kinh tế là quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường và là quyền của các doanh nghiệp, được thừa nhận rộng rãi và được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, khi sức mạnh thị trường được tích tụ đến một mức nhất định, hoặc theo một hình thái nhất định, nó có thể gây ra tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Vì vậy, để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cũng như của các nước đều đặt ra nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế để phòng ngừa, ngăn chặn khả năng gây ra tác động hạn chế cạnh tranh. 

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (UBCTQG) chịu trách nhiệm đánh giá khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế căn cứ vào các yếu tố như: thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;

Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế; khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế có thể loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường... 

Như vậy, ngoài yếu tố thị phần, Luật Cạnh tranh sửa đổi còn quy định thêm một số yếu tố khác để đánh giá khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể?

Đúng vậy. Theo Luật Cạnh tranh sửa đổi, thị phần chỉ là một trong các yếu tố được UBCTQG xem xét đến khi quyết định đồng ý hay không đồng ý một vụ việc tập trung kinh tế. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004.

Khi xem xét một vụ việc tập trung kinh tế, bên cạnh việc đánh giá các tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, UBCTQG cũng sẽ đánh giá tác động tích cực, nếu có. Sau khi đánh giá, nếu vụ việc chỉ có tác động tích cực thì không cản trở.

Nếu có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực thì Ủy ban có thể vẫn cho phép tiến hành tập trung kinh tế, nhưng kèm theo một số điều kiện để hạn chế tác động tiêu cực. 

Một số ý kiến lo ngại trao UBCTQG thẩm quyền quyết định các giao dịch tập trung kinh tế có thể dẫn tới lạm dụng quyền hạn, thưa ông?

Trao cho UBCTQG thẩm quyền quyết định việc cho phép hay không cho phép các giao dịch tập trung kinh tế là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc kiểm soát tập trung kinh tế đã nói ở trên.

Nguyên tắc này đã được quy định từ Luật Cạnh tranh năm 2004, luật sửa đổi lần này chỉ nhắc lại.

Theo đó, Nhà nước không hạn chế quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng hoạt động cạnh tranh phải được tiến hành theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích công cộng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

UBCTQG được trao thẩm quyền quyết định các giao dịch tập trung kinh tế, nhưng sẽ rất khó lạm dụng quyền này, bởi theo Luật Cạnh tranh, cả phiên bản 2004 cũng như phiên bản sửa đổi lần này, doanh nghiệp có quyền khởi kiện quyết định của Ủy ban ra tòa án nếu thấy Ủy ban đưa ra quyết định không đúng.

Bên cạnh đó, để bảo đảm minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi sẽ cố gắng cụ thể hóa các tiêu chí để doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định mình có thuộc đối tượng phải thông báo với UBCTQG trước khi tiến hành tập trung kinh tế hay không.

Nếu không thuộc đối tượng phải thông báo thì doanh nghiệp có thể tiến hành mua bán, sáp nhập, hợp nhất hoặc liên doanh một cách bình thường, không phải có ý kiến của UBCTQG.

Nếu thuộc ngưỡng phải thông báo, doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ và phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi mới biết có được tập trung kinh tế hay không. Thưa ông, quy định này có phải là giấy phép con không?

Trước hết, Nhà nước không có ý định can thiệp vào tất cả các giao dịch tập trung kinh tế.

Chỉ những giao dịch nào đạt "ngưỡng" thông báo mới phải thông báo và chờ quyết định của UBCTQG. Với các "ngưỡng" đang được dự thảo hiện nay, dự kiến sẽ không nhiều giao dịch tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi cũng yêu cầu UBCTQG phải thông báo kết quả thẩm định sơ bộ trong vòng 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, quá thời hạn trên mà Ủy ban không trả lời thì doanh nghiệp có quyền thực hiện tập trung kinh tế mà không phải chờ ý kiến của Ủy ban. 

Về quan ngại "giấy phép con", như tôi đã trình bày, Nhà nước có 2 nhiệm vụ quan trọng. Một mặt, Nhà nước phải bảo đảm quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng mặt khác, Nhà nước cũng phải bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh.

Một giao dịch tập trung kinh tế có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, vì vậy, cần phải được xem xét một cách thấu đáo trước khi nó được tiến hành.

Để tránh rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp và tránh lãng phí nguồn lực xã hội, pháp luật cạnh tranh của tất cả các nước đều đi theo hướng "tiền kiểm" và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục