Quản lý cạnh tranh: Không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”

(ĐTCK) Việc đặt Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương sẽ khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan cần có trong xử lý vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh khi mà bộ này hiện là chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

12 năm, hơn 300 vụ việc bị xử lý

Tại “Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh” mà Bộ Công thương trình Quốc hội cho thấy, tính riêng về các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí thống lĩnh/độc quyền và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; cạnh tranh không lành mạnh; các hành vi bị cấm với cơ quan quản lý nhà nước đã có hơn 300 vụ việc đã được điều tra, xử lý tính đến hết năm 2016.

Tính đến năm 2016, đã có tổng số 87 cuộc điều tra tiền tố tụng được thực hiện liên quan đến lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Số vụ việc điều tra liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh là 8 vụ, trong đó có 6 vụ đã được Hội đồng Cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Thông qua việc điều tra, xử lý 8 vụ hạn chế cạnh tranh, với gần 70 doanh nghiệp bị điều tra, các cơ quan quản lý cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng.

Về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đến hết năm 2016, đã có hơn 330 hồ sơ khiếu nại, trong đó có 182 vụ đã được điều tra, xử lý.

Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng vi phạm khác nhau. Theo số liệu của Bộ Công thương, nhóm vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các vụ cạnh tranh không lành mạnh (chiếm tới 62%), tiếp theo là các vụ việc liên quan tới hành vi bán hàng đa cấp bất chính (chiếm 17%).

Số vụ việc liên quan tới các dạng hành vi khác như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác, gièm pha doanh nghiệp khác, xâm phạm bí mật kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp.

Thông qua xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và chi phí xử lý đáng kể. Nếu năm 2007, tổng số tiền phạt mới chỉ là 85 triệu đồng, thì năm 2008, tổng số tiền phạt đã tăng lên gần gấp 10 lần (khoảng 805 triệu đồng) và đến năm 2016 là 2,114 tỷ đồng.

Theo Bộ Công thương, thực tiễn trong những năm qua đã xảy ra tình trạng một số cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có hành vi hoặc ban hành các văn bản hành chính chứa đựng nội dung mang tính mệnh lệnh để chỉ định doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ hoặc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, vi phạm Điều 6, Luật Cạnh tranh về các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, Bộ Công thương đã tiến hành xác minh và xử lý 15 vụ việc.

Một số vụ việc tiêu biểu có thể kể đến như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục chỉ nên tham gia bảo hiểm với 5 doanh nghiệp bảo hiểm; hay Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và một số huyện tại tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người dân địa phương ưu tiên sử dụng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Hà Nội, Sài Gòn, Vida…; Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan nhà nước tại địa phương phải sử dụng xi măng Xuân Thành trong đầu tư kiên cố hoá mặt đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh…

Hiểu biết về pháp luật cạnh tranh: Doanh nghiệp và cơ quan quản lý… cùng yếu

Cạnh tranh là câu chuyện hàng ngày, hàng giờ doanh nghiệp phải đối mặt trong nền kinh tế thị trường. Nắm vững pháp luật về cạnh tranh sẽ giúp cho doanh nghiệp cạnh tranh “đúng đường” cũng như biết bảo vệ mình trước các chiêu thức cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các đối thủ.

Vậy nhưng, kết quả khảo sát của Bộ Công thương năm 2015 về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh và cơ quan quản lý cạnh tranh cho thấy, chỉ có 53,5% doanh nghiệp trả lời đã từng biết về cơ quan quản lý cạnh tranh; trong đó, nhiều nhất là ở TP.HCM, tiếp theo là Hà Nội và thấp nhất là Đà Nẵng.

Với khảo sát về nhận biết cơ quan cạnh tranh, có tới 46,5% doanh nghiệp khảo sát trả lời chưa biết. Và cũng chỉ có 25,6% doanh nghiệp trả lời đã từng liên hệ hoặc làm việc với cơ quan cạnh tranh…

Thực tiễn các vụ việc nổi cộm năm 2017 và đầu năm 2018 cũng cho thấy, tình trạng nhận biết về Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cũng không cao.

Nhiều vụ việc thay vì đưa ra cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) để giải quyết thì doanh nghiệp lựa chọn đi khiếu nại lên Chính phủ, Thủ tướng như trong tranh chấp giữa các doanh nghiệp kinh doanh taxi với dịch vụ taxi công nghệ từ nước ngoài (Uber, Grab…).

Với mỗi doanh nghiệp, khi mà “khiếu nại”, “tố cáo” lên Chính phủ, Thủ tướng hay đơn giản là dán băng rôn diễu hành phản đối hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh không hiệu quả, họ có thể chọn các thiết chế giải quyết khác như tòa án. Họ chọn tòa án vì cho rằng thiết chế này sẽ giúp họ có những chế tài mạnh hơn đối với đối thủ vi phạm cho dù mất thời gian, tiền bạc thay vì liên hệ với cơ quan Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngày 30/1 vừa qua, đại diện Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết đã nhận quyết định của Tòa án Nhân dân TP.HCM về việc xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa đơn vị này và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào ngày 6/2/2018.

Vinasun đã thu thập đủ bằng chứng bao gồm văn bản, hình ảnh, video… cho thấy Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá, mà điển hình trong đó là việc khuyến mại hơn 90 ngày một năm. Tính về thiệt hại, khoảng ba năm trở lại đây, Vinasun liên tiếp sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận do sự cạnh tranh thị phần ngày càng quyết liệt từ các hãng taxi công nghệ.

Năm 2017, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 10% và 34% so với năm trước. Tổng số nhân viên của Vinasun tính đến cuối quý II/2017 giảm gần 8.000 người so với thời điểm đầu năm, chỉ còn 9.179 người.

Trước đó, trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ hồi giữa năm 2017, Vinasun cho rằng Uber và Grab liên tục thực hiện các chương trình khuyến mại tuỳ tiện, không đăng ký và được sự cho phép của cơ quan quản lý.

Do đó, doanh nghiệp này đề xuất sớm chấm dứt hoạt động cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá huỷ diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường, đánh sập taxi truyền thống; đồng thời, phải đăng ký giá và chịu sự quản lý giá như các doanh nghiệp taxi truyền thống; phải chịu sự khống chế về số lượng đầu xe tham gia kinh doanh theo quy hoạch chung tại các địa phương và công khai thông tin số lượng xe đang hoạt động, doanh thu và thuế phải nộp định kỳ.

Trong khi đó, phía cơ quan quản lý nhà nước lại có tình trạng can thiệp hành chính bất hợp lý vào thị trường. Chẳng hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất.

Theo đó, kể từ ngày 1/3/2018, các nhà mạng chỉ được phép khuyến mại tối đa 20% giá trị các thẻ nạp đối với thuê bao trả trước, giảm hơn so với mức khuyến mại tối đa 50% đang được áp dụng hiện nay. Đây được xem như là một hình thức can thiệp hành chính bất hợp lý vào thị trường với một trong những nguyên nhân được viện dẫn là do các nhà mạng cạnh tranh không lành mạnh với nhau, dẫn đến suy giảm doanh thu, nộp ngân sách nhà nước…

Cơ quan quản lý cạnh tranh cần độc lập

Tại Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh được tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và địa vị, thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả. Theo đó, Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất hai cơ quan hiện hành, gồm Cục Quản lý cạnh tranh trực (thuộc Bộ Công thương) và Hội đồng cạnh tranh.

Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, nhưng phải bảo đảm tính độc lập tương đối, hoạt động tuân theo pháp luật. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội, Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia cần trực thuộc sự quản lý của Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của cơ quan này.

Bộ Công thương hiện nay vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu đặt Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc bộ này sẽ khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Theo các chuyên gia kinh tế và pháp lý, cạnh tranh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường mà ở đó, càng cạnh tranh thì xung đột lợi ích càng lớn và sự xung đột lợi ích càng lớn thì vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh càng phải độc lập để bảo vệ cạnh tranh và độc lập với tất cả các bên.

Kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia trên thế giới cho thấy, dù tổ chức theo mô hình nào thì yếu tố quan trọng tiên quyết đó là để đảm bảo tính độc lập cho cơ quan cạnh tranh. Hiện nay, trên thế giới có xu hướng rằng cơ quan cạnh tranh ngày càng độc lập và ít chịu sự kiểm soát của các bộ, ngành.

Nghiên cứu của UNCTAD (2011) đối với 112 quốc gia trên thế giới cho thấy, trong số này có hơn một nửa có cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập (không trực thuộc các bộ, ngành); trong đó, 20 quốc gia đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi cũng có cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập. 

Luật sư Lê Minh Toàn, Công ty Luật Lê Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục