Cam go cuộc chiến nợ xấu của ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều khoản vay biến thành nợ xấu trong đại dịch Covid-19, trong khi việc xử lý các khoản nợ cũ theo Nghị quyết 42 của các ngân hàng vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Mảng cho vay mua xe ô tô của các ngân hàng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 Mảng cho vay mua xe ô tô của các ngân hàng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19

“Khách hàng tốt chuyển thành khách hàng xấu”

Đầu năm 2018, gia đình chị Trần Thanh Nga ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã đặt vé đi Hội An với kỳ vọng được ăn cái Tết yên ả, thanh bình ở “thành phố tuyệt vời nhất thế giới”. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra như tưởng tượng của anh chị, khi Hội An nêm chặt khách du lịch nội địa, nước ngoài.

Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020, cảnh tượng trên không hiếm tại Hội An cũng như các địa điểm du lịch trên khắp cả nước vào những dịp lễ Tết, cuối tuần.

Không bỏ lỡ thời cơ từ thị trường, năm 2017, chị Quế Anh, chủ một công ty du lịch tại Hội An đã vay tiền ngân hàng để mua thêm xe ô tô, thầu lại nhiều khu nghỉ dưỡng để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại những huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Thậm chí, chị còn dự định khi hoạt động kinh doanh đi vào khuôn khổ, chị sẽ thuê người quản lý công ty, còn gia đình chị ra nước ngoài định cư và điều hành kinh doanh từ xa.

Tuy nhiên, mọi tính toán của chị Quế Anh đã không vượt qua được “cơn lốc” mang tên Covid-19. Đến giữa năm 2020, doanh nghiệp của chị đã phải đóng cửa văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội, chỉ duy trì văn phòng tại Hội An. Nhưng văn phòng này cũng không có hoạt động gì và như chị chia sẻ thì “hy vọng vừa được nhen lên ngay lập tức bị vùi dập, nợ ngân hàng làm sao trả nổi”.

Anh Tấn Hải, ở An Bàng, Hội An cũng vay tiền ngân hàng để mua xe ô tô kinh doanh dịch vụ đưa đón khách du lịch, nhưng hơn một năm nay, nguồn thu sụt giảm thê thảm, không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn.

“Từ khách hàng tốt, tôi chuyển dần thành khách hàng xấu của ngân hàng. Biết vậy, nhưng tôi cũng không có lựa chọn nào khi mình còn đang phải chạy ăn từng bữa cho gia đình”, anh Hải phân trần.

Tại cuộc tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ về ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 tới các khoản cho vay mua xe cũng như phát mãi tài sản để thu hồi nợ: “Có nhiều xe mang đấu giá tới 4 - 5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng”.

Được biết, 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.

Bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro Techcombank thừa nhận, ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ tháng 2/2020 tới nay đã khiến Ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách cho phù hợp với tình hình. Cụ thể, Techcombank có hai chính sách: thứ nhất, với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do Covid-19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ; thứ hai, với các khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ, chây ì tồn đọng đã lâu năm Ngân hàng tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 để xử lý tài sản thu hồi nợ.

Còn tại SHB, ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thông tin, các khoản nợ xấu được phân luồng xử lý theo thứ tự ưu tiên như khách hàng có nguồn trả nợ nhưng bị quá hạn do dòng tiền của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, SHB xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng. Các khoản nợ xấu mà khách hàng không còn khả năng trả nợ, SHB yêu cầu khách hàng/bên bảo đảm hợp tác trả nợ hoặc bàn giao tài sản bảo đảm cho SHB để xử lý thu hồi nợ.

Xử lý nợ xấu, còn nhiều vướng mắc

Cũng theo ông Tài, trong trường hợp khách hàng không hợp tác, chây ì trả nợ, SHB tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 của Quốc hội và tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đủ điều kiện thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42 và khách hàng bất hợp tác, SHB tiến hành khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền đề nghị tòa án phát mại tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu…

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ tháng 2/2020 tới nay đã khiến Ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách cho phù hợp với tình hình

Bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro Techcombank

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ cuối năm 2018 đến ngày 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 500.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực).

Thời điểm Nghị quyết 42 được ban hành, nhiều ngân hàng kỳ vọng đây sẽ là “cây đũa thần” giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu, tuy vậy, mong muốn không song hành với thực tế.

Một lãnh đạo Công ty Mua bán nợ Viet A Bank cho biết: “Ngân hàng không triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Một phần xuất phát từ việc Ngân hàng có quy mô nhỏ nên ít khoản nợ, một phần là xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn nhiều rườm rà liên quan đến thu giữ tài sản, thủ tục bán nên Ngân hàng chủ động xử lý nợ xấu theo thông lệ lâu nay”.

Đại diện Techcombank cho biết, khi thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết 42, có nghĩa là ngân hàng cực chẳng đã phải áp dụng các biện pháp rất kiên quyết để có thể xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ. Các khách hàng lúc này đều là các khách hàng hoặc không thể có khả năng trả nợ hoặc rất chây ì. Thông thường, thời gian xử lý đều đã kéo dài 3 - 5 năm, nhiều trường hợp lên đến 9 - 10 năm. “Việc khách hàng chống lại biện pháp xử lý của ngân hàng là điều thường xuyên xảy ra”, bà Lan nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu quan điểm, Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của tổ chức tín dụng. Trong khi đó, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Về dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng đồng thuận quan điểm cho rằng, cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung tại Nghị quyết 42 đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong áp dụng pháp luật. Cụ thể, cần tiếp tục rà soát, chỉ đạo tòa án các cấp đẩy mạnh việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 8, Nghị quyết số 42 để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ xấu, tiết kiệm thời gian chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng. Bộ Công an cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa các giai đoạn xử lý thu giữ tài sản, có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, bảo đảm việc thu giữ diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật; sớm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục thời điểm/thời hạn hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ theo quy định tại Nghị quyết 42.

“Cần chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan đăng ký đất đai hỗ trợ ngân hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo, đăng ký biến động, đăng bộ sang tên đối với tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu; số tiền thu được từ xử lý tài sản đảm bảo sau khi trừ đi các chi phí xử lý tài sản đảm bảo thì ngân hàng được quyền ưu tiên thu nợ trước (ưu tiên thu nợ trước tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển quyền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của chủ tài sản đảm bảo/bên thế chấp đối với cơ quan nhà nước) để áp dụng đúng theo tinh thần, quy định của Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán”, các tổ chức tín dụng kiến nghị.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục