Xử lý nợ xấu và những điểm xấu cần sớm gỡ bỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ tại buổi Toạ đàm “Nợ xấu trong dịch COVID-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” được tổ chức sáng nay (23/6), các diễn giả đều cho rằng, trong giai đoạn dịch Covid bùng nổ thì việc xử lý nợ xấu càng trở nên khó khăn hơn.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã phải thốt lên: “Dịch bệnh như Trời định, không biết bao giờ mới kết thúc”.

Thực tế, đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019 và kéo dài cho đến nay khiến nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung ảnh hưởng nặng nề và triển vọng phục hồi vẫn rất bấp bênh.

“Trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20 - 30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt là khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn”, ông Liên nói.

Còn ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, trước dịch Covid-19, có hơn 17 triệu lượt khách đến Nha Trang, nhưng khi dịch đến không có bóng dáng du khách nước ngoài nào. Do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động, nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Các doanh nghiệp du lịch đang bên bờ vực phá sản.

98% trong số khoảng 500.000 doanh nghiệp trong nước hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch cực kỳ nặng nề”, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội nói.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP SHB cho biết, việc đôn đốc, thu hồi nợ trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Cán bộ xử lý nợ gặp khó khi tiếp tục sử dụng phương thức đôn đốc thu nợ trực tiếp do nhà nước phong toả, cách ly cục bộ và/hoặc khách hàng, chủ tài sản lấy lý do dịch bệnh để từ chối làm việc trực tiếp.

“SHB đã đẩy mạnh phương thức làm việc gián tiếp với khách hàng (sử dụng điện thoại, email, gửi văn bản đôn đốc nhắc nợ…) tuy nhiên, hiệu quả không cao như việc trực tiếp đôn đốc thu nợ”, ông Tài nói.

Ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP SHB phát biểu tại Tọa đàm

Ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP SHB phát biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, ông Tài chia sẻ, việc thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án của SHB nói riêng và các Tổ chức tín dụng nói chung bị ngưng trệ bởi những nguyên nhân sau:

Trong giai đoạn dịch Covid bùng phát, Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành các Văn bản về việc phòng chống dịch Covid-19 trong hệ thống Toà án nhân dân. Theo đó, có nhiều thời điểm Toà án nhân dân các cấp tạm dừng mở các phiên toà, phiên họp giải quyết, triệu tập đương sự; tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện trực tiếp; tạm dừng việc cấp, tống đạt thông báo bằng phương pháp trực tiếp mà chỉ nhận đơn và tống đạt đơn theo phương thức điện tử, bưu điện.

Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành các văn bản chỉ đạo: đối với những địa phương dịch đang có diễn biến phức tạp, hạn chế việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả thi hành án trực tiếp tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự. Khuyến khích cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện việc tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả thi hành án thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông, qua phần mềm hỗ trợ trực tuyến.

“Tạm dừng việc triệu tập đương sự, giải quyết việc thi hành án tại trụ sở cơ quan; các cuộc họp liên ngành; cưỡng chế có huy động lực lượng trừ vụ việc bắt buộc phải thực hiện theo đúng thời hạn luật…”, ông Tài nói.

Việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 cũng bị ngưng trệ do chính quyền địa phương (đặc biệt là các khu vực đang bị phong toả hoặc có người bị cách ly) phải tập trung phòng, chống dịch nên chưa xác nhận, hỗ trợ SHB trong việc thu giữ Tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42. Điều này dẫn tới việc thu giữ tài sản bảo đảm của Ngân hàng gặp khó, chậm tiến độ.

“Đặc biệt, do dịch bệnh Covid nên khách hàng bị ảnh hưởng nguồn thu (hoạt động sản xuất, dịch vụ đình trệ, khách hàng doanh nghiệp mất nguồn thu, khách hàng cá nhân bị chậm lương, nghỉ không lương…) gây nên nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị: “Nếu như Covid-19 biến thể sang một dạng khác, các cơ quan ban ngành có thể kéo dài hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dài hạn hơn. Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển”.

Nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng “đi qua” khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC nêu quan điểm, cần sửa đổi, triển khai, hiện thực hoá thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 42 và Nghị quyết 03 cho các khoản nợ xấu cho vay từ 15/8/2017 các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2022.

“Cần phải tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào Hệ thống Toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn. Các quy định cần rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và phải làm ngay nếu không sẽ không kịp”, Luật sư Đức nói.

Đối với Thông tư 42, giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên nợ xấu để đánh giá đúng chất lượng tín dụng, nhất là chưa xác đinh được khi nào hết dịch. Và dù có hết dịch thì cũng còn tiếp tục khó khăn rất lâu nữa. Cần xem xét giảm thiểu, tiến tới bỏ cơ chế mua bán nợ “kỹ thuật”, thay bằng cơ chế “khoanh nợ” của VAMC.

“Khôi phục cơ chế pháp lý “khoanh nợ”, trước đây đã từng được thực hiện trong ngành Ngân hàng và hiện nay vẫn đang áp dụng đối với việc xử lý nợ quốc gia và một số lĩnh vực như cho vay của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.

Đặt ra cơ chế cho phép xoá nợ gốc nói chung, trong trường hợp xử lý nợ xấu nói riêng. Hiện nay, ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước không dám làm, còn các tổ chức tín dụng phi nhà nước vẫn làm thì không có cơ sở pháp lý” Luật sư Đức nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục