Từ ngày 1/1/2018 có 11 luật chính thức có hiệu lực thi hành.
Đó là Bộ luật Hình sự 2015; Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2017; Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017; Luật du lịch 2017; Luật Quản lý ngoại thương 2017; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; Luật Trợ giúp pháp lý 2017; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.
Đáng chú ý, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 lần đầu tiên được thông qua gồm 73 điều.
Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức Điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong Điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động Điều tra hình sự; bảo đảm Điều kiện cho hoạt động Điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trước đó, các quy định này chỉ nằm trong các pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự.
Theo Điều 54 luật này, 5 việc điều tra viên không được làm. Thứ nhất, là những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.
Thứ hai, là tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
Thứ tư, đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
Cuối cùng, tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.