Cải thiện năng lực cạnh tranh: Từ quốc gia đến hạt nhân doanh nghiệp

(ĐTCK) Trước thềm Ngày Doanh nhân (13/10) năm nay, có khá nhiều thông tin đáng chú ý, chẳng hạn Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong đó tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp ở Việt Nam được đánh giá rất cao.
Cải thiện năng lực cạnh tranh: Từ quốc gia đến hạt nhân doanh nghiệp

Trong “Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019”, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn và có thể làm giảm tốc thương mại toàn cầu.

WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm - tăng 10 bậc và tăng 3,5 điểm so với năm 2018. WEF cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Đây chính là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục của Chính phủ.

Có thể kể đến những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua đóng góp vào việc thăng hạng chỉ số này như việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện chính phủ điện tử và nền kinh tế số;

Thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương...

Rõ ràng, dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế, tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt.

Việc thăng hạng của Việt Nam trong cuộc đua tranh về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn là sự cộng hưởng của 2 yếu tố này, là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam bay lên.

Một tin vui khác với giới doanh nhân là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam;

Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm…

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, dứt khoát phải có sự nỗ lực chung tay của cộng đồng doanh nhân Việt. Chưa khi nào, ý thức về phát triển bền vững, chú trọng uy tín và xây dựng thương hiệu lại được các lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm như thời điểm này.

Tuy nhiên, nếu như nhìn vào các bảng xếp hạng thương hiệu của Forbes hay Brand Finance, số lượng các tên tuổi doanh nghiệp Việt còn rất khiêm tốn và ít có sự xuất hiện những cái tên mới trong các năm gần đây. Vậy đâu là nguyên nhân?

Tại cuộc tọa đàm khoa học về chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” giữa Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp cuối tháng 8/2019, có nhiều điểm đáng suy ngẫm.

Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa” và doanh nghiệp tư nhân khó lớn. Vào năm 2017, 97,3% các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 1,3%, tình trạng này trái ngược với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực ASEAN.

Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Những lợi thế kinh tế nhờ quy mô cho phép công ty có quy mô lớn hơn hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài những lợi thế kinh tế nhờ quy mô, các doanh nghiệp lớn cũng phát triển vượt trội nhờ công tác quản trị công ty tốt hơn (do đó có khả năng tiếp cận tốt hơn tới nguồn vốn và nhân lực), công nghệ tiên tiến hơn, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn, sáng tạo hơn để đảm bảo một doanh nghiệp có năng suất cao, cạnh tranh tốt.

Những yếu tố này thường chỉ có thể xảy ra khi một công ty đạt đến một quy mô nhất định.

Dữ liệu tổng hợp từ 100 công ty tư nhân hàng đầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, doanh thu, lợi nhuận trên mỗi đơn vị lao động của các doanh nghiệp tăng đều đặn trong giai đoạn 2012 - 2016, doanh thu tăng từ 1,5 tỷ đồng năm 2012 lên 2,27 tỷ đồng trong năm 2016, lợi nhuận tăng gấp đôi từ 92,6 triệu đồng trong năm 2012 lên 190,4 triệu đồng vào năm 2016.

Doanh nghiệp lớn cũng có mối liên kết chặt chẽ hơn với thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hầu hết các công ty này đã có thể phát triển thương hiệu riêng của mình, thay vì chỉ làm gia công, hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ duy nhất cho thị trường nội địa như thường thấy ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, các công ty tư nhân lớn trong nước thường có trình độ quản trị công ty tốt hơn và tuân thủ đầy đủ hơn các yêu cầu về minh bạch thông tin.

Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực. Chính điều này lại đóng góp thêm cho cải thiện hiệu quả và năng suất của các doanh nghiệp.

Có doanh nghiệp nào lại không muốn lớn? Bên cạnh những hạn chế về thể chế suốt một thời gian dài chưa khuyến khích các doanh nghiệp tập trung cho sáng tạo, đổi mới, đầu tư cho công nghệ, thì nguyên nhân cũng nằm ở chính các doanh nhân.

Vẫn còn đó những trăn trở về việc Việt Nam chưa thành công trong việc xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, có trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh.

Trên nhiều bảng xếp hạng doanh nhân toàn cầu và khu vực đã xuất hiện tên tuổi của các doanh nhân Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng, ông Lê Văn Quang, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Mai Kiều Liên, bà Nguyễn Thị Nga, bà Thái Hương… Tuy nhiên, con số này còn rất ít ỏi và gần đây chưa có thêm những cái tên mới.

Hiện tại đang là thời kỳ bản lề của các nhà sáng lập ra các công ty nổi tiếng của Việt Nam. Họ đều là người rất giỏi, phi thường, từng đưa doanh nghiệp phát triển rất nhanh, tăng trưởng 30 - 40% mỗi năm, gây dựng những tên tuổi, thương hiệu Việt vang bóng. Nhưng nay, môi trường kinh doanh đã thay đổi.

Các nguồn lực tự thân như tài nguyên, khoáng sản, đất đai đã đến giới hạn khai thác, buộc doanh nhân và doanh nghiệp phải tính đến năng suất và đổi mới sáng tạo.

Họ sẽ phải thay đổi tư duy quản trị để ít phụ thuộc vào mô hình sản xuất dựa nhiều vào nguồn lực, để chuyển sang mô hình dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.

Họ cũng sẽ phải thay đổi để từ bỏ thói quan liêu, gia đình trị, tin tưởng, trao quyền và trọng dụng người tài bên ngoài doanh nghiệp. Chỉ có làm như vậy, họ mới có thể lấp được lỗ hổng của thời kỳ khủng hoảng về nhân sự: nhân sự cấp cao lãnh đạo doanh nghiệp.

Chỉ khi doanh nghiệp tiếp tục phát triển, nền kinh tế Việt Nam mới tiếp tục được nâng bậc trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới, Việt Nam mới có thêm nhiều thương hiệu quốc gia và quốc tế.

Lịch sử thế giới cho thấy, có nhiều yếu tố giúp các nền kinh tế tăng trưởng một cách ngoạn mục như năng lực lãnh đạo tài tình của bộ máy chính quyền nhà nước, chính sách quốc gia hợp thời cơ, chính sách ngoại giao thực tiễn, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách giáo dục, cạnh tranh tự do…

Song tinh thần doanh nhân cũng có vai trò không nhỏ. Họ phải luôn tiên phong đổi mới, khát khao tiến về phía trước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong việc nhanh chóng phát triển sản phẩm mới, thay đổi thiết kế, chất lượng phục vụ…

Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập mạnh mẽ này, các lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải nâng cao trình độ, tầm nhìn quốc tế và khu vực, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đang sống trong môi trường quốc tế, sẽ có những nền văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh vô cùng khác nhau tham gia vào quá trình sản xuất - kinh doanh.

Dám đương đầu với những thách thức, có tư duy đổi mới, hội nhập, kích hoạt được những nguồn lực mạnh mẽ trong tổ chức… Chỉ có như vậy, họ mới viết tiếp được câu chuyện thành công và hiện thực hóa được giấc mơ xây dựng doanh nghiệp trường tồn.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục