CIEM đưa ra mục tiêu của 7 chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh năm 2019

(ĐTCK) Hàng loạt các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh đã được đặt mục tiêu cụ thể vươn tới các thứ hạng cao hơn trong năm 2019 cũng như trong giai đoạn từ nay đến 2021 tại Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 vừa được Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Ciem) công bố.
CIEM đưa ra mục tiêu của 7 chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh năm 2019

Theo đó, tại Nghị quyết 02 năm nay, các mục tiêu được đặt ra gồm 7 bộ chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế do các tổ chức quốc tế có uy tín thực hiện đánh giá và xếp hạng.

Đó là chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, chỉ số hiệu quả Logistic của World Bank, chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0, năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số về đổi mới sáng tạo (WIPO), chỉ số về Chính phủ điện tử, chỉ số Công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai.

Mục tiêu đặt ra là phấn đấu tăng ở chỉ số tối thiểu từ 2-3 bậc và cao nhất là 10-15 bậc trong năm 2019; đến năm 2021, tăng tối thiểu từ 5-7 bậc và cao nhất là 15-20 bậc.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nghị quyết đặt mục tiêu rốt ráo cải thiện thứ hạng ở các chỉ số quan trọng là yếu tố cốt lõi để tăng bứt phá về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2019 cũng như trong giai đoạn từ nay đến 2021.

Cụ thể, nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh lên từ 20 đến 25 bậc; năm 2019 tăng ít nhất 5 bậc, chỉ số Cấp phép Xây tăng lên từ 2-3 bậc; năm 2019 ít nhất 1 bậc, chỉ số Tiếp cận Tín dụng lên từ 3-5 bậc; năm 2019 ít nhất 1 bậc.

Đối với các chỉ số hiện nay vốn được coi là còn rất trì trệ, chậm cải thiện như chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư, chỉ số Đăng ký tài sản, chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp, Giảm chi phí tuân thủ pháp luật, Chính phủ quyết liệt yêu cầu phải tăng xếp hạng tối thiểu 5-10 bậc, cao hơn mức tăng bình quân của các chỉ số khác.

“Trong 10 chỉ số, có 2 chỉ số đặc biệt quan trọng trong việc nâng cấp trình độ kinh tế thị trường ở nước ta đó là phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Nếu như chúng ta không tập trung cải thiện 2 chỉ số này mà cứ loanh quanh vẫn chỉ ở hành pháp bãi bỏ này khác thì nước ta không vượt được ngưỡng cần phải có để nâng cấp kinh tế thị trường”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo phân tích của đại diện CIEM, chỉ số về kinh tế thị trường được coi là rất quan trọng bởi vì thất bại của doanh nghiệp phải nhanh chóng được xử lý để chuyển tài sản và cơ hội kinh doanh đó cho người khác.

Tương tự, tranh chấp hợp đồng phải được giải quyết nhanh chóng để xử lý dứt điểm nhưng phải công bằng.

“Tòa án là nơi cuối cùng xử lý tranh chấp nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự có nhiều cải cách về tuyến tư pháp của nền kinh tế và xã hội. Do đó, nếu không cải thiện mạnh mẽ hai chỉ số đặc biệt quan trọng này thì mức độ thị trường của nền kinh tế sẽ khó tiến lên được”, ông Cung phân tích.

Một số chỉ tiêu chưa được chú trọng cải thiện

Đáng chú ý, nghị quyết 02 cũng đặt mục tiêu tăng mạnh chỉ số xếp hạng về tiếp cận công nghệ thông tin và tăng năng lực cạnh tranh về 4.0 trong bối cảnh nền kinh tế theo xu hướng số hóa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, một số chỉ số theo xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của WEF được đặt mục tiêu cụ thể như nâng xếp hạng chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin lên từ 20-25 bậc; năm 2019 ít nhất 5 bậc, xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng lên từ 10-15 bậc; chỉ số Chi tiêu cho R&D tăng lên 6-10 bậc; chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lên từ 20-25 bậc; chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá lên từ 5-10 bậc, trong đó riêng năm 2019 ít nhất tăng từ 3-5 bậc.

Theo số liệu thống kê của CIEM, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng (năm 2018 xếp hạng 69 thế giới, thứ 5 trong ASEAN).

Trong đó, có 6/10 chỉ số tăng hạng, gồm tiếp cận điện năng tăng 108 bậc; nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc; bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc và cấp phép xây dựng tăng 1 bậc.

Ngoài ra, cơ chế một cửa cũng được đánh giá cao khi một số địa phương áp dụng cơ chế một cửa tập trung (trung tâm hành chính công) đã được đa số doanh nghiệp hoan nghênh mô hình này.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như các chỉ tiêu gián tiếp chưa được chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, thái độ của cán bộ công chức thực thi vẫn còn nhiều vấn đề một số cải cách vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự cải cách từ tuyến dưới là nơi thực thi khiến cải cách chưa thực sự đạt mục tiêu kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02

Chỉ số xếp hạng

Thứ hạng hiện nay

Mục tiêu đến 2021

Mục tiêu 2019

Môi trường kinh doanh

69/190

tăng 15-20 bậc

tăng 5-7 bậc

Năng lực cạnh tranh 4.0

77/140

tăng 5-10 bậc

tăng 3-5 bậc

Chỉ số Công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng chosản xuất tương lai

90/100

tăng 15-20 bậc

tăng 5-7 bậc

Đổi mới sáng tạo

45/126

tăng 5-7 bậc

tăng 2-3 bậc

Chính phủ điện tử

88/193

tăng 15-20 bậc

tăng 10-15 bậc (2020)

Hiệu quả logistics

39/160

tăng 5-10 bậc

Năng lực cạnh tranh du lịch

67/136

tăng 10-15 bậc

tăng 7-10 bậc

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục