Sự thực Việt Nam giảm bậc xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ quan điểm khi thứ hạng của Việt Nam giảm từ vị trí 74 xuống 77 trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phong Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phong Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng GCI 4.0 năm 2018 do WEF vừa công bố giảm 3 bậc. Ông nghĩ thế nào về sự sụt giảm này?

Thực tế đó cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện khi các tiêu chí đánh giá thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Có thể nhìn thấy khá rõ nếu phân tích kỹ những yếu tố giảm điểm của Việt Nam. Đó là hiệu quả thị trường, yếu tố thúc đẩy kinh doanh, thể chế, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng người lao động, thị trường lao động, khả năng đổi mới…

Còn nếu xét về năng lực cạnh tranh hiện tại, với tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, nền kinh tế vẫn đang giữ năng lực cạnh tranh hiện tại khá tốt.

Nhưng phải thừa nhận, năng lực cạnh tranh này đang dựa nhiều vào vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ. Nghĩa là chúng ta vẫn đang ở nấc thang đầu tiên của quá trình phát triển theo đánh giá của WEF.

Môi trường kinh doanh Việt Nam đang có những bước cải thiện vững chắc. Chỉ nhìn vào kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh đang được thực hiện ở các bộ, ngành, có thể thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ   

Khi WEF thay đổi tiêu chí đánh giá, cũng là cảnh báo để nền kinh tế phải đi nhanh hơn, thay đổi các yếu tố nền tảng để bước lên các nấc thang cao hơn trong quá trình phát triển, đó là phát triển dựa vào công nghệ, sáng tạo...

Nhưng, sự chuyển dịch những yếu tố nền tảng, phải mất nhiều thời gian, với nguồn lực rất lớn để cải thiện. Chúng ta không thể kỳ vọng sẽ có ngay hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện hay có ngay một hệ thống giáo dục, đào tạo đạt chuẩn thế giới... ngay cả khi thể chế đang được cải cách để thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố này.

Trong các kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, các yếu tố này đang là những trọng tâm buộc phải thay đổi.

Nhưng dù vậy, so với các nước ASEAN, Việt Nam vẫn trong nhóm cuối về năng lực cạnh tranh toàn cầu?

Đây là điều mà Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và cả doanh nghiệp phải để tâm. Trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, rõ ràng ta đang đi chậm hơn.

Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trong cuộc đua này, vì xét các yếu tố liên quan đến doanh nghiệp như mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng đổi mới, sáng tạo và cả những vấn đề văn hoá kinh doanh và quản trị trong doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ở thứ hạng không cao.

Việc cải thiện nhanh hay chậm các yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến khả năng tiếp cận các cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 của doanh nghiệp Việt Nam.

Câu hỏi phải đặt ra ở đây là yếu tố nào trực tiếp thúc đẩy các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Câu trả lời là môi trường kinh doanh. Trong môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để đổi mới, sáng tạo, đầu tư ứng dụng công nghệ...

Và ngược lại, thưa ông?

Đúng vậy!

Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện, như cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành... là những giải pháp có thể thực hiện được ngay, có tác động ngay và trực tiếp tới chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Rõ ràng, để tạo được những thay đổi mang tính nền tảng, phải có bước đi, lộ trình rõ ràng. Chúng tôi đang nhìn thấy bước đi này trong các quyết sách của Chính phủ.

Trong vòng hai năm trở lại đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có bước cải thiện rất lớn không chỉ trong cắt giảm thủ tục hành chính mà trong tư duy quản lý nhà nước, nhờ vậy những cải thiện trong môi trường kinh doanh sẽ đảm bảo tính nhất quán,

Thể hiện rõ trong cải thiện trong thủ tục thuế, gia nhập thị trường, cấp phép xây dựng... Doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp và ngay lập tức từ những cải thiện này. Điều này cũng thúc đẩy doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh dài hạn, đầu tư dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, để mạnh lên.

Sự mong muốn mạnh  lên của cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ tạo áp lực, thúc đẩy các kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Môi trường kinh doanh Việt Nam đang có những bước cải thiện vững chắc. Chỉ nhìn vào kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh đang được thực hiện ở các bộ, ngành, có thể thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sức ép liên tiếp trong yêu cầu phải cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh buộc các bộ, ngành phải chuyển động, quan trọng là dần thay đổi tư duy về quản lý nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp. 

Tôi tin là những thay đổi này sẽ thể hiện rõ hơn trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business) do Ngân  hàng Thế giới công bố hàng năm. Năm 2018, Việt Nam đã có tăng hạng cao, tới 14 bậc, cùng với Indonesia là 2 quốc gia cải cách đều đặn trong những năm qua.

Trong kỳ công bố vào 30/10 tới, với các kết quả cụ thể trong cải thiện môi trường kinh doanh, tôi tin là thứ hạng của Việt Nam sẽ có cải thiện tích cực.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục