Cái gốc văn hóa

(ĐTCK) Liên tục xuất hiện các vụ việc liên quan đến văn hóa nơi công cộng khiến người ta phải đặt câu hỏi rằng, cái xấu đang ngày càng phổ biến hay mạng ảo khiến nó được khuyếch trương…
Cái gốc văn hóa

Một chị công an, cậy mình “người nhà nước”, quen quát nạt hạch sách người ta, giở trò hàng tôm hàng cá ngay giữa sân bay với bao con mắt nhìn vào.

Một anh (lại công an) sẵn sàng vung tay tát thẳng vào mặt nhân viên cửa hàng chỉ vì dám đòi tiền khi con anh ta chưa ăn xong. Rồi đủ loại hành vi của những người không hiểu vì lý do gì cứ tưởng mình là “bố mẹ thiên hạ”: Tấn công nữ nhân viên sân bay vì không được ưu tiên, uống rượu say, quấy rối tình dục nữ tiếp viên hàng không, vi phạm luật giao thông lại sẵn sàng chỉ mặt cảnh sát “mày biết tao là ai không”.

Xã hội thực là thế, xã hội ảo cũng không kém phần long trọng: Đánh vợ, đánh con cũng tung lên mạng, giang hồ thế giới ảo lộng hành, làm đủ trò để khoe nanh múa vuốt, trong khi một bộ phận dân chúng nhảy vào tung hô…

Hôm qua vừa chửi nạn con ông cháu cha nhưng nay có cơ hội lại tìm cách nhét ngay con cháu mình  vào “hệ thống”, bởi tư duy có từ ngàn đời “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Chửi bọn tham nhũng nhưng có việc thì sẵn sàng “phong bao phong bì”, miễn sao được việc.    

Các sự việc như thế xuất hiện liên tiếp làm chúng ta phải cau mày nhíu trán mà nghĩ: có vấn đề gì đang xảy ra với xã hội này vậy? Vì đâu mà cái xấu, cái thiếu văn hóa cứ tràn lan khắp nơi, liệu có thể gọi đây là sự suy đồi?

Nhưng cũng cần phải minh định một điều, là chưa ai thống kê số các vụ việc liên quan đến văn hóa công cộng để có thể đi đến kết luận là cái xấu bây giờ nhiều hơn xưa, và cũng hơi vội vàng khi chỉ dựa vào vài vụ việc nói trên để kết luận là xã hội suy đồi hơn xưa.

Có chăng nên hiểu những chuyện này là một phần của cuộc cách mạng thông tin, sự thống trị của internet, của mạng xã hội đối với đời sống hiện đại. Nhờ internet, nhờ điện thoại thông minh, nhờ mạng xã hội… mà thông tin về các vụ việc liên quan đến văn hóa công cộng, những hành vi phản cảm trong xã hội được lan truyền nhanh hơn, xa hơn, đến nhiều đối tượng tiếp nhận hơn.

Tuy nhiên, sự phổ biến những hành vi phản cảm từ xã hội thực lên đến thế giới ảo đã phản ánh một thực tế khó có thể phủ nhận là chúng ta còn phải làm nhiều việc để thay đổi, bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là vấn đề mang tính gốc rễ, căn cốt. Văn hóa Việt Nam có nhiều nét đẹp, từ sự tương thân tương ái, yêu chuộng hòa bình, hòa đồng vui vẻ, linh hoạt, cần cù chịu khó… Nhưng bên cạnh đó cũng song song tồn tại vô số thói hư tật xấu đặc trưng của một nền văn minh lúa nước. Linh hoạt thật đấy, nhưng đi kèm nó là tùy tiện. Chúng ta tùy tiện trong đủ thứ. Ở nhà thì tùy tiện áp đặt vợ, con, bắt trẻ phải tuân lệnh vô điều kiện, kể cả trong những việc ta hoàn toàn không có kiến thức. Ra ngoài thì tùy tiện trong giao thông, sẵn sàng vi phạm luật chỉ để được cái lợi trước mắt vô cùng nhỏ như “nhanh hơn thằng kia một tí”, mắt trước mắt sau không thấy cảnh sát thì sẵn sàng vặn ga chạy tới, bất chấp thực tế là việc mình làm đang gây tổn hại lợi ích của người khác: Cản đường lưu thông, thậm chí có nguy cơ gây tai nạn cho chính mình và người khác.

Văn hóa là một thực tại khách quan, là khái niệm mang tính trừu tượng. Nhưng để xã hội tốt đẹp, để nhân lên nét đẹp văn hóa lại cần những hành động thiết thực và cụ thể.    

Đến cơ quan thì tùy tiện sử dụng đồ điện, các thiết bị công, theo kiểu “cha chung không ai khóc”: Điều hòa, quạt máy, nước sạch… dùng vô tội vạ, cho dù tất cả đều là tiền, đều khiến công ty, cơ quan phải móc hầu bao (cũng là xâm vào quỹ lương và phúc lợi của chính chúng ta).

Và mặc dù ai cũng kêu ca về bọn tham nhũng, bọn đục khoét công quỹ, nhưng không ít người hôm qua vừa chửi người, hôm nay có cơ hội thì cũng tìm cách đục khoét, tham nhũng, với tư duy “một đời ta muôn vàn đời chúng nó”, hy sinh đời bố củng cố đời con. Hôm qua vừa chửi nạn con ông cháu cha nhưng nay có cơ hội lại tìm cách nhét ngay con cháu mình vào “hệ thống”, bởi tư duy có từ ngàn đời “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Chửi bọn tham nhũng nhưng có việc thì sẵn sàng “phong bao phong bì”, miễn sao được việc.

Rồi khi có tý chức tý quyền thì bắt đầu thay đổi, bắt đầu dần coi thiên hạ “không ra cái giống gì”. Cái ghế tạo ra vị thế “ban phát, xin cho” và ngồi lâu trên cái ghế ấy lại lầm tưởng mình là “con nhà giời”, quyền lực trong tay mình có là mặc nhiên. Để rồi ra ngoài sẵn sàng ứng xử như bố đời, mẹ thiên hạ. Những người chìm trong men say quyền lực, đặc quyền đặc lợi ấy quên mất rằng thực ra họ cũng chỉ là con người như bao con người khác, quyền lực mà họ có chỉ là một thứ ảo ảnh, có đấy rồi cũng mất ngay đấy.

Ngẫm cho cùng, cái gốc của vấn đề vẫn là cái gốc văn hóa. Người có văn hóa, chẳng cần hô hào cũng đã có ý thức chấp hành luật pháp, tự miễn nhiễm với những thói hư tật xấu. Xã hội ta không phải là không có những hạt nhân văn hóa. Nhưng làm gì để lan tỏa văn hóa ấy, là câu hỏi lớn đối với mỗi chúng ta.

Văn hóa là một thực tại khách quan, là khái niệm mang tính trừu tượng. Nhưng để xã hội tốt đẹp, để nhân lên nét đẹp văn hóa lại cần những hành động thiết thực và cụ thể.

Mặc dù còn nhiều ý kiến này khác, nhưng rõ ràng phải có các thiết chế mang tính bắt buộc về hành vi, ứng xử văn hoá, đi cùng với chấn chỉnh nghiêm túc các hành vi phản văn hoá.

Hồi đầu năm, trong một cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa trong năm 2019 là tuyên truyền, lên tiếng mạnh mẽ phê phán những hành vi không hợp văn hoá, thiếu văn hoá, phản văn hoá. Tuyên truyền những tấm gương tốt với những con người, sự việc có thật để thay đổi nhận thức của người dân, dần hình thành thói quen tốt.

Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc xây dựng văn hoá, con người, đạo đức xã hội riêng mình bộ này làm không hết được mà cần cả xã hội. Ông Thiện nói không sai, nhưng ít nhất các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền phải đi tiên phong về văn hóa, về đạo đức trong ngành, trong lĩnh vực mình phụ trách.                                            

Và cũng không thể tách rời việc chấn hưng văn hóa với công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Ở cấp độ công dân, người có văn hóa trước tiên phải là người chấp hành tốt pháp luật. Một công dân tuân thủ pháp luật sẽ lan truyền tư tưởng đó cho con cái, người thân và cộng đồng, nói không với các hành vi vi phạm pháp luật. Một cộng đồng với đa số công dân chấp hành pháp luật tốt sẽ thu hẹp, hạn chế tối đa “dư địa” cho những thói hư, tật xấu tồn tại trong xã hội.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trúc Mai
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục