Văn hóa thang máy
Mới dọn về nhà mới tại một tòa chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội được ít ngày, anh Việt Đăng đã than thở với phóng viên: “Ở chung cư của tôi đang nóng chuyện thang máy do cư dân về ở đã khá đông, nhu cầu sửa chữa nhà cũng nhiều.
Dù đã có quy định việc thi công, sửa chữa căn hộ phải dùng thang hàng, nhưng nhiều cư dân ý thức rất kém, cứ rình không có người trông là lại dùng thang vận chuyển người để chuyển hàng. Ban quản lý quy định vật liệu phải tập kết dưới hầm, nhưng họ mang bày bừa ra sảnh tầng 1, vừa nhếch nhác vừa nát hết gạch lát”.
Tương tự, phản ánh đến nhóm của cộng đồng cư dân tòa nhà CT2-A1 (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội), anh Nho Phan cho biết: “Giờ cao điểm, thang hàng khóa, hai thang còn lại bị bấm giữ để vận chuyển rất nhiều kiện hàng. Có hai chị đưa con đi học bức xúc phản ánh thì bảo vệ tòa nhà trả lời, họ đi từ trên xuống nên không biết, còn người bốc hàng thì vô tư: “Ai cũng vội chị ạ”!”.
Theo anh Nho, tình trạng này đã xảy ra rất nhiều lần ở tòa chung cư, không thể nói là bảo vệ không biết.
“Chúng ta lắp camera, thẻ từ để phục vụ an toàn văn minh hơn, nhưng những điều cơ bản lại bỏ qua. Các cụ xưa có câu: “Dưới thì ở lỗ mà cổ lại đeo vàng””, anh Nho bức xúc.
Thậm chí, theo chị Lại Hà, một cư dân của tòa chung cư này, khi báo với bảo vệ về tình trạng nói trên và cho biết sẽ báo tổ trưởng tổ bảo vệ xử lý việc này, chị còn nhận được câu trả lời đầy thách thức: “Thích báo thì cứ báo, làm gì thì làm”.
“Chúng ta phải sống văn minh, tôn trọng nhau, tôn trọng cả tài sản chung, an ninh tốt, tinh thần đoàn kết thì tòa nhà mình mới luôn mới, đẹp. Việc tòa nhà xuống cấp nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào ý thức của dân mình”, chị Hà nói.
Không chỉ xảy ra tình trạng nhiều cư dân sử dụng thang vận chuyển người để chuyển hàng, tình trạng “mất kiểm soát” với người lạ cũng xảy ra phổ biến tại nhiều tòa chung cư. Mới đây, nhiều cư dân tại Chung cư 229 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) phản ánh tình trạng mất an toàn trong tòa nhà khi nhiều người dân thường xuyên quẹt hộ thẻ thang máy cho người lạ.
Một cư dân cho biết, hiện có một số đối tượng lạ mặt thường xuyên lên, xuống tòa nhà bằng việc nhờ quẹt thẻ và thang bộ. Những người này thường đội mũ, bịt khẩu trang kín mặt để tránh camera ghi hình. Nếu các căn hộ không chốt, khóa cửa thì sẽ rất nguy hiểm. Bà con cần cẩn thận và không quẹt hộ thẻ để tránh tình trạng trộm cắp, cướp trong tòa nhà.
Và những mâu thuẫn nội tại khác
Câu chuyện không chỉ nóng quanh chiếc thang máy, những bức xúc từ thói quen sinh hoạt, ý thức của người trong cộng đồng nhỏ, của bộ phận cung cấp dịch vụ cũng là những chuyện khá phổ biến.
Trước tình trạng nhiều lần bị “tai bay, vạ nước” từ tầng cao vào người, một cư dân chung cư Xuân Phương Quốc hội bức xúc: “Tôi hay đi lại trong sân, khu vực dưới Tòa CT2A và CT2B, đã không ít lần được hứng nước hắt từ trên cao xuống, chẳng hiểu nước sạch hay bẩn, vì không biết căn nào văn minh đến thế để nhắc nhở, nên đã báo bảo vệ”.
Trước việc chưa có biện pháp xử lý triệt để này, nhiều cư dân cho biết, giờ chỉ mong có thêm camera ngoài tòa nhà để tăng cường giám sát, hy vọng nâng cao được ý thức của những người ưa té nước bất kể nắng mưa.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, có một thực tế nữa tại nhiều chung cư, đó là tình trạng mất vệ sinh do ý thức của một bộ phận cư dân. Các trường hợp vứt, xả rác bừa bãi, ném tàn thuốc qua cửa sổ xuống giếng trời hay bãi xe… không những gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới môi trường sống, mà còn là một mối đe dọa về phòng cháy, chữa cháy.
Trong việc tạo dựng văn hóa chung cư, ngoài các chủ thể chính là cư dân, không thể không nhắc tới vai trò của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Không ít tòa chung cư, người dân tỏ ra không hài lòng với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhân viên vận hành tòa nhà.
Nhiều cư dân của Dự án New Horizon City (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra bức xúc trước tình trạng bảo vệ coi thường người dân. Theo phản ánh của cư dân tòa nhà này, thì báo bảo vệ ở đây có giọng điệu hách dịch, hay mắng cư dân trong khi lỗi không phải do họ.
“Không có biển chỉ dẫn và khách đi sai làn đường cũng bị mắng. Phần mềm của đơn vị cung cấp dịch vụ bị lỗi không nhận xe ra (nên vẫn tính là xe còn gửi trong bãi), nên không thể gửi xe vào, nhưng bảo vệ thờ ơ, chỉ ngồi và phán, đoán già đoán non, không có sự hỗ trợ cư dân…”, một cư dân bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho rằng, mâu thuẫn chung cư đến từ nhiều nguyên nhân. Kể cả với mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư, cũng phải nhìn từ hai phía. Nhiều chung cư, cư dân vẫn giữ thói quen sinh hoạt theo bề ngang, như văn hóa làng quê ngày trước. Trong khi hiện tại, mô hình nhà chung cư quản lý theo mặt đứng, tức có sự thay đổi về xã hội học, sở hữu chung riêng cũng khác biệt nhiều so với nhà liền thổ.
Khác với ranh giới cứng về diện tích sử dụng của loại hình nhà đất, không gian chung ở chung cư đôi khi cư dân hiểu khá mơ hồ. Từ đó cũng có nhưng cách hành xử chưa thật chuẩn mực. Một cư dân đỗ xe sai làn, chiếm phần diện tích của xe khác; đỗ xe ô tô ngay trước hộp vòi chữa cháy; rồi khoan đục, cải tạo nhà cửa bất kể thời gian, trong khi nhà hàng xóm có người già, trẻ nhỏ… Tất cả những điều đó đều đang khiến cho không gian sống tại chung cư nhiều khi trở nên bí bách, ngột ngạt.
Có lẽ, để xây dựng được văn hóa chung cư tốt, một môi trường sống an toàn, gắn kết yêu thương, thì cần rất nhiều sự nỗ lực của từng người dân, từ những hành động nhỏ như sử dụng thang máy, xả rác, đỗ xe…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com