Cải cách thủ tục hành chính: Vẫn lo bộ, ngành loay hoay

Sau khi Bộ Công thương công bố đơn giản hóa, bãi bỏ 123 thủ tục hành chính sẽ thực hiện trong năm 2017, giới kinh doanh nín thở chờ đợi. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp chưa thể an tâm ngay lúc này.     

Doanh nghiệp nín thở

Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang) khấp khởi ngay sau khi nội dung chi tiết của 123 thủ tục hành chính mà Bộ Công thương lên kế hoạch bãi bỏ và đơn giản hoá ngay trong năm 2017 được công bố trên trang điển tử của bộ này. Trong số hơn 80 trang quy định chi tiết về 17 lĩnh vực sẽ được xem xét, riêng ngành kinh doanh gas được liệt kê 18 đầu mục sẽ phải chỉnh sửa.

“Chúng tôi đã chờ đợi thông tin này cả 6 tháng nay, với nhiều lo lắng. Nhưng đến giờ, mọi việc đã rõ ràng. Vấn đề còn lại là thời gian thực hiện các sửa đổi trên. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục được tham gia góp ý trong giai đoạn sửa đổi này”, ông Tùng chia sẻ.

Là người được giao đại diện nhóm các doanh nghiệp kinh doanh gas quy mô nhỏ, với khoảng 20 doanh nghiệp, hoạt động ở các địa bàn vùng sâu, xa của cả nước, ông Tùng đã đeo đuổi các đề xuất sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí suốt từ tháng 5/2016, thời điểm hiệu lực của Nghị định này.

Cải cách thủ tục hành chính: Vẫn lo bộ, ngành loay hoay  ảnh 1

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gas, thép, hóa chất, phân bón, xuất khẩu gạo... đứng trước cơ hội sẽ được bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh trong năm 2017 

Bởi, với hàng loạt điều kiện mới quy định với thương nhân phân phối khí, từ việc áp đặt về bồn chứa tối thiểu 300 m3, sở hữu số lượng chai LPG có tổng dung tích tối thiểu là 2,6 triệu lít… của Nghị định 19/2016/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động coi như bị đặt vào tình thế buộc phải phá sản hoặc ép sáp nhập do không đủ lực để đáp ứng các điều kiện. Ông Tùng nhẩm tính, chỉ riêng việc đáp ứng số chai LPG, doanh nghiệp của ông phải thêm khoảng 25 tỷ đồng. Nghịch lý ở chỗ, do địa bàn hoạt động tại Hà Giang, nhu cầu thị trường còn nhỏ, nên số vỏ chai này sẽ chỉ để phục vụ việc tuân thủ quy định, chứ không dùng hết.

Đáng nói là đây chỉ là một trong số rất nhiều điều kiện mà doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng theo kiểu để đấy như vậy. 

“Khi đó, tôi đã nói, có thể Bộ Công thương đang hướng thị trường gas Việt Nam theo mô hình Thái Lan, chỉ có 5 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, nếu để doanh nghiệp tự co hẹp lại về số lượng đầu mối dựa trên cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ thì mới thực sự lựa chọn được những doanh nghiệp tốt. Còn việc tạo khó khăn về thủ tục hành chính và điều kiện quy mô để một số doanh nghiệp lớn đương nhiên hưởng lợi thì không phải là cách làm tốt, hơn thế, nó đi ngược lại tinh thần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển của Chính phủ, thậm chí đôi khi tạo sự độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, ông Tùng nói.

Những lo ngại trên đang trở thành quá khứ với danh mục nội dung sẽ sửa đổi mà Bộ Công thương đã đặt ra cho năm 2017. Không chỉ các quy định về kinh doanh gas, các doanh nghiệp hoạt động thép, hóa chất, phân bón, xuất khẩu gạo... đứng trước cơ hội sẽ được bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh.

Vẫn khó “kê cao gối”

Không phải vô cớ khi ông Tùng một mặt nhấn mạnh sự vui mừng, song cũng không quên nhắc tới sự chờ đợi hành động cụ thể của các đơn vị, bộ phận mà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giao việc trong Quyết định 4846/2016/QĐ-BCT.

Việc Bộ Tài chính lần thứ hai phải gửi công văn tới 11 bộ, ngành để đề nghị phối hợp sửa đổi các quy định về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu theo yêu cầu của Chính phủ có thể lý giải được nỗi niềm trên của doanh nghiệp.

Trong Văn bản số 17733/BTC-TCHQ ngày 14/12/2016 mà Bộ Tài chính gửi đến các bộ ngành, gồm Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Y tế; Giao thông - Vận tải; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Công an; Quốc phòng, Bộ Tài chính đã tổng hợp 76 nhóm văn bản kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung.

Nhưng trước đó, vào tháng 8, một công văn tương tự cũng đã được Bộ Tài chính gửi tới các địa chỉ trên, đề nghị các bộ này triển khai việc rà soát sửa đổi, bổ sung 73 văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Có vẻ sau 3 tháng, với việc chủ động rà soát các quy định về nội dung này, số văn bản cần sửa đổi lại tăng lên.

Cũng phải nhắc lại, công việc này đã được đặt ra từ năm 2014, khi thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Thực tế rất khó né tránh, như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nói, đó là trong khi bộ máy nhà nước của các nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao hơn luôn trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, để mở đường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển… thì ở Việt Nam, giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan nhà nước vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu.

Ngay cả việc sửa đổi thủ tục hành chính được xác định là bước cải cách dễ thực hiện nhất - do việc thay đổi chủ yếu dựa trên sửa đổi văn bản, có tác động nhanh và tích cực nhất - do doanh nghiệp giảm được chi phí tuân thủ quy định về thủ tục hành chính cũng chưa đạt được những bước đột phá thực sự.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp buộc phải dành nhiều thời gian để đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp hơn là tìm các giải pháp cải thiện năng lực, trình độ…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, động thái của Bộ Công thương hiện tại là tích cực, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể kê cao gối.

Có lẽ phải nhắc tới văn bản của Bộ Tài chính ngày 17/8 vừa rồi gửi tới 11 bộ khẩn thiết đề nghị các bộ này triển khai việc rà soát sửa đổi, bổ sung 73 văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Vấn đề này đã được đề xuất từ năm 2014, khi thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Khi thực hiện mục tiêu kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ, mọi người mới tá hỏa phát hiện ra, hơn 78% thời gian thông quan thuộc về quản lý chuyên ngành. Điều đáng nói, cả phía cơ quan hải quan và doanh nghiệp đều không nhìn thấy sự cần thiết của các thủ tục này, trong khi chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp bỏ ra quá lớn.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục