Cải cách thủ tục hành chính: Dư địa còn nhiều, cần tiếp tục cải thiện hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 3/11 đã diễn ra Hội thảo Công bố Báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành - Khảo sát doanh nghiệp năm 2022".

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Nhận xét về Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành (kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản cho rằng, nếu nhìn vào tỷ lệ mức độ thuận lợi khi thực hiện, tương đối dễ dàng từ 40-60% là chủ yếu, rất ít trên 70% bao gồm mức độ dễ và cả tương đối dễ cũng vậy, 59% trả lời gặp khó ở thủ tục hoặc quy trình nào đó…

“Số liệu cho tôi cảm nhận dù nhiều nỗ lực, nhiều cải cách đang được ghi nhận nhưng cải cách của Hải quan và bộ chuyên ngành vẫn ở mức trung bình hay nói cách khác như báo cáo là dư địa còn nhiều, cần tiếp tục cải thiện hơn. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm là đại diện cộng đồng doanh nghiệp trông đợi vào chuyển đổi như Quyết định 628 về hải quan, về chuyển đổi số và kiểm tra chuyên ngành”, ông Nam nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Huy, đến từ EuroCham cho biết, doanh nghiệp đánh giá tích cực còn ít hơn, như vậy động lực cải cách hành chính đang bị giảm đi trong khi Chính phủ yêu cầu phải tăng tốc lên. Ông Huy đặt vấn đề, phải chăng Covid dẫn tới việc sao nhãng? “Không có chỉ số nào mức độ hài lòng trên 70% cho thấy còn rất nhiều điều phải làm”, ông Hồng Huy nói.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban, Ban Pháp chế VCCI cho biết, có thể thấy doanh nghiệp đánh giá thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin Một cửa Quốc gia trong khảo sát năm 2022 phần lớn khó khăn hơn so với khảo sát năm 2019 với 10/12 thủ tục. Điều này có thể được lý giải bởi từ tháng 1/2020 cho đến hết quý I/2022, Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 với việc áp dụng giãn cách xã hội xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước.

“Do vậy, việc thực hiện các thủ tục hành chính nói chung, trong đó có thủ tục xuất nhập khẩu cũng chịu tác động lớn”, ông Thạch nói.

Nhấn mạnh về lợi thế nếu cải cách được thủ tục hành chính, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta đã đưa một một minh chứng rất sống động: “Chỉ bằng việc kết nối hải quan điện tử đã loại bỏ 1 thủ tục là thực hiện thanh lý tờ khai hải quan bằng phương pháp thủ công, theo đó, giảm được 500 triệu USD/năm chi phí giao dịch của doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Nghĩa, nếu số hóa thành công dữ liệu liên quan đến xuất nhập khẩu có thể tiết kiệm 18 triệu USD/năm từ việc Việt Nam gửi tờ khai cho hải quan các nước. “Số hóa nền hành chính công là gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp lớn hơn bất cứ gói hỗ trợ nào của Chính phủ trong khi Chính phủ không phải chi bất kỳ đồng tiền nào của nhà nước”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cũng nhận định, mọi việc đang đi đúng hướng và đạt kết quả tích cực nhưng cần truyền tải tinh thần tích cực này hơn cho các bộ, ngành bởi ví dụ nếu thủ tục được triển khai trong lên đến cấp độ cao nhất thì Delta có thể giảm 10% nguồn nhân lực.

Ông Thạch cho biết thêm, các thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn tăng đáng kể là “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế”, thủ tục “cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế với mức tăng lần lượt là 21% và 20%. Ở hướng ngược lại, hai nhóm thủ tục của Bộ Giao thông vận tải là “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”, “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng”, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn giảm lần lượt là 4% và 3%.

Chia sẻ thêm về Báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI nói: “Quá trình thực hiện Báo cáo mất rất nhiều thời gian và nguồn lực. Đó là trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp. Thu nhận tiếng nói từ thực tiễn doanh nghiệp, cụ thể và định lượng được chứ không chung chung”.

Từ kết quả khảo sát, liên quan đến đề xuất cải thiện hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin Một cửa Quốc gia trong thời gian tới, ông Thạch cho rằng đó là việc minh bạch thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các vướng mắc và biết sử dụng hiệu quả Cổng thông tin Một cửa Quốc gia. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp tục nâng cấp Cổng thông tin Một cửa Quốc gia, tích hợp các dịch vụ hữu ích và đảm bảo an toàn thông tin trên Cổng thông tin Một cửa Quốc gia…

Đối với đề xuất cải thiện hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ông Thạch đề cập đến việc cải thiện chất lượng cung cấp thông tin và tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

“Đề xuất giảm tình trạng trả cho phí ngoài quy định. Giảm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Tăng cường triển khai Một cổng Quốc gia để giảm các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp…”, ông Thạch chia sẻ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục