Ngày 22/3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính của sở, ban, ngành và UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện năm 2021.
Theo kết quả được công bố, đối với nhóm sở, ban, ngành, có 22 đơn vị xếp loại tốt, 4 đơn vị xếp loại khá. Trong đó, Sở Tư pháp dẫn đầu với 95,06 điểm, xếp thứ 2 là Sở Kế hoạch và Đầu tư, đứng chót bảng là Sở Văn hóa - Thể thao với 75,04 điểm. Riêng với 7 cơ quan ngành dọc, UBND TP.HCM quyết định kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính hằng năm được xếp loại tốt.
Đối với nhóm UBND 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, có 19 địa phương xếp loại tốt, 3 địa phương xếp loại khá; trong đó Quận Bình Tân dẫn đầu với 94,27 điểm, thứ 2 là Quận 10, đứng chót bảng là Quận 7 với 78,82 điểm.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên nhân khiến nhiều đơn vị giảm chỉ số cải cách hành chính trong năm 2021 là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính dẫn đến bị động khi dịch bệnh ập đến và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đến cuối năm 2021.
Trong năm 2022, TP.HCM yêu cầu các đơn vị, địa phương quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ chỉ số cải cách hành chính, chủ động nghiên cứu thí điểm các mô hình mới có hiệu quả phù hợp với phạm vi, thẩm quyền được giao.
Đồng thời, tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính một cách thực chất; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính mới, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, yêu cầu người dân nộp thêm giấy tờ ngoài quy định…
Tại Hội nghị, phóng viên đặt câu hỏi: Tại sao Quận 7 lại đứng cuối bảng, trong khi đây là một trong các địa phương đi đầu về đô thị thông minh, có nhiều doanh nghiệp và người nước ngoài sinh sống?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ TP.HCM) cho biết việc đánh giá cải cách hành chính căn cứ trên 7 lĩnh vực, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử… Do phạm vi đánh giá trải dài trên 7 lĩnh vực nên sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu.
Ngoài ra, công tác khảo sát của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng phát hiện những hạn chế nên số điểm chưa tương đồng; các đơn vị sẽ đưa ra giải pháp khắc phục vào năm sau.
Chỉ số cải cách hành chính phụ thuộc vào sự hài lòng của người dân |
Về việc quận Bình Tân đứng đầu bảng xếp hạng, ông Thịnh nhìn nhận Bình Tân đang trong giai đoạn đô thị hoá mạnh, cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin có những bước đột phá. Từ đó, khi khảo sát được sự tín nhiệm của người dân.
"Chỉ số cải cách hành chính phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan có đưa ra giải pháp để người dân hài lòng hay không, nếu người dân hài lòng cao thì chỉ số cao", ông Thịnh nói.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Hiện nay, nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh về tình trạng cán bộ ngại xử lý hồ sơ, giải quyết chậm trễ, nhũng nhiễu, vòi vĩnh và cho rằng đó là tham nhũng vặt, ngành nội vụ TP.HCM có kế hoạch kiểm tra, xử lý như thế nào?”.
Trả lời, ông Thịnh cho biết, năm 2022, đoàn liên ngành sẽ kiểm tra 40% đơn vị liên quan đến quy tắc ứng xử công vụ, trong đó có 10% kiểm tra đột xuất. Dự kiến 6 tháng đầu năm sẽ có báo cáo sơ kết, đánh giá và thông tin đến báo chí.