Cải cách thủ tục đầu tư, xây dựng là “gói cứu trợ” quý giá nhất

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp trông chờ vào các cam kết sẽ rà soát, sửa đổi các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị. Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Dư địa cải cách vẫn còn rất lớn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có mặt tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan từ rất sớm, khiến cuộc đối thoại trở nên hấp dẫn. Cùng thời điểm này năm ngoái, cuộc đối thoại cũng về nội dung này được thực hiện với quy mô nhỏ hơn, do một thứ trưởng tham gia. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực, khi các vấn đề trong lĩnh vực đầu tư - xây dựng luôn nóng nhất vì gần như doanh nghiệp nào cũng liên quan.

Cũng bởi điều này, nên các thông tin về những việc đã làm của Bộ Xây dựng mà Bộ trưởng gửi tới các doanh nghiệp cũng là tin tốt được chờ đợi.

"Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện. Bộ Xây dựng cũng xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành và triển khai thực hiện các Nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trong nhiều nhiệm vụ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương được giao trong các Nghị quyết, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được Ngân hàng thế giới đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế.

Thực hiện nhiệm vụ này, thông qua công tác xây dựng và hoàn hiện thể chế, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 03 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 05 Nghị định, 07 Thông tư vào 02 Nghị định.

Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công Phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành năm 2021, 2022.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của Ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách.

"Dư địa cải cách vẫn còn rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI: Cải cách thủ tục là gói cứu trợ "trong tầm tay", chi phí thấp nhưng doanh nghiệp khát khao nhất

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ hơn 1 lần nhắc đến sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại cuộc đối thoại.

"Muốn cải cách thì cần có người kiến nghị. Doanh nghiệp đã tham gia kiến nghị, với ý kiến cụ thể. Rất cám ơn Bộ trưởng đã đích thân tham dự, chủ trì cuộc đối thoại này", ông Công nói.

Trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp cho rằng, cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, bền vững, hiệu quả và trong “tầm tay” của các cơ quan Nhà nước.

"Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư – xây dựng – đất đai – môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch. Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư cả công và tư nhanh chóng đi vào hoạt động, giúp tạo đà để nền kinh tế chúng ta bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới. Đây là gói hỗ trợ quý giá mà doanh nghiệp khát khao nhất", ông Công phát biểu.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Công, thủ tục đầu tư xây dựng là những lĩnh vực thủ tục hành chính có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia nhập thị trường, đưa nguồn lực vào sản xuất và sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là một trong những hoạt động quan trọng đầu tiên khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng. Việc ban hành các bộ luật như Luật Xây dựng (2003, 2014 và bổ sung, sửa đổi năm 2020), Luật Đất đai (1993, 1998, 2003 và 2013), Luật Nhà ở (2005 và 2014) và Luật Đấu thầu (2005 và 2013) đã cải thiện về căn bản tính minh bạch về pháp lý, tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án đầu tư xây dựng.

Bên cạnh điều chỉnh khung khổ pháp lý, Chính phủ cùng chính quyền các địa phương cũng có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/01/2021. Ở cấp địa phương, những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành trong những năm qua đã thúc đẩy các chương trình cải cách nhằm đơn giản hóa một số quy trình thủ tục về đầu tư xây dựng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính. Nhờ đó, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đã dần giảm xuống, doanh nghiệp gia nhập thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh dễ dàng hơn.

Tuy vậy, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau. Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và có thể đối mặt với rủi ro pháp lý.

Tại Hội nghị, VCCI cũng công bố báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực Đầu tư – Đất đai – Xây dựng – Môi trường: Một số kết quả từ khảo sát doanh nghiệp”. Kết quả báo cáo được công bố là trải nghiệm trực tiếp của gần 2.000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất, trong số gần 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát của VCCI.

Báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng, từ việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến đăng ký chứng nhận sở hữu công trình xây dựng. Báo cáo cũng giúp nhận diện một số “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ cấp phép xây dựng hiện tại. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cố gắng đưa ra một ước lượng về chi phí thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Các kết quả nêu trên sẽ được giới thiệu cụ thể hơn trong phần trình bày của đại diện nhóm nghiên cứu.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục