Những kết quả tích cực này phần nào được thể hiện thông qua những thành quả mà TTCK đạt sau 15 năm hoạt động. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chảy vào nền kinh tế nước ta thông qua TTCK ngày càng nhiều, qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ huy động được một lượng vốn lớn phục vụ cho đầu tư phát triển.
Tiếp nối những thành quả to lớn của nền kinh tế sau gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, hiện Việt Nam đang khởi xướng mạnh mẽ quá trình đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, đòi hỏi cải thiện yếu tố minh bạch và thúc đẩy cơ chế thị trường trong nền kinh tế được thực tiễn đặt ra rất cấp bách nhằm tiến đến một nền kinh tế minh bạch và hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, quá trình cải cách thể chế kinh tế nước ta đã đạt được những nền tảng quan trọng, đặc biệt là định hình nền tảng pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân thông qua Hiến pháp sửa đổi và nhiều văn bản luật mới như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi…, đồng thời tinh thần và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đang thấm vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải làm nhiều hơn thế để doanh nghiệp có thể dễ dàng thành lập và giải thể. Chính quyền phải nuôi dưỡng sự sáng tạo, phải là bà đỡ cho mọi sự sáng tạo. Chính các doanh nghiệp tư nhân, với tính năng động cao, ngày càng có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, sống bằng sự sáng tạo, đổi mới. Chúng ta phải có những chính sách để doanh nghiệp tiếp cận một cách thuận lợi với những nguồn lực, nhất là khi mới thành lập, thậm chí có những hình thức hỗ trợ về lãi suất để doanh nghiệp vượt qua được thời kỳ khó khăn, tìm kiếm thị trường, cạnh tranh trong môi trường quốc tế.
Các nỗ lực cải cách thể chế cần tiếp tục triển khai mạnh hơn nữa, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong tái cơ cấu kinh tế, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế được coi là điều kiện tiên quyết trong tái cơ cấu kinh tế.
Cùng với Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016 đang đi vào cuộc sống, trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, để phấn đấu đưa các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4, chứ không phải là ASEAN-6. Các chỉ tiêu đo đếm sự chuyển biến lớn về cải thiện môi trường kinh doanh phải được thể hiện sinh động trên thực tế thông qua sự kiểm chứng khách quan của doanh nghiệp, người dân, các tổ chức độc lập…
Quá trình chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII diễn ra trong năm tới đang được khẩn trương hoàn thiện. Nhiều tư tưởng mới mang tính đột phá về kinh tế thị trường đầy đủ đang được nghiên cứu đề xuất, để trình Đại hội thảo luận, xem xét.
Khi quá trình đổi mới được khởi tạo theo hướng mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, thì sẽ giải phóng hơn nữa trí tuệ, nguồn lực của đất nước, qua đó tạo bước chuyển biến sắc nét, nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế theo chiều sâu để đủ sức hội nhập và phát triển bền vững. Đây sẽ là những nền tảng vững chắc để tiếp sức cho TTCK đạt được những thành tựu phát triển mới trên cơ sở những kết quả tích cực đã được trong 15 năm qua.