Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam có vai trò rất quan trọng, nhất là khi nguồn lực trong nước đang bị thu hẹp bởi các bất ổn vĩ mô. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại của nền kinh tế như lạm phát cao, tỷ giá thiếu ổn định khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.
Trong bối cảnh đó, cần làm gì để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản - lực lượng nhà đầu tư có tiềm lực mạnh và khá quen thuộc với thị trường Việt Nam ? Ông Akihiro Toyama (ảnh), Phó giám đốc Ban Tư vấn mua bán & sáp nhập doanh nghiệp, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) trao đổi với ĐTCK.
Sau thảm họa động đất và sóng thần vừa qua, công cuộc tái thiết của Nhật Bản có ảnh hưởng gì đến tình hình đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Nhật Bản, thưa ông?
Trong khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ thảm họa động đất và sóng thần phải tập trung khôi phục lại nguyên trạng sản xuất - kinh doanh sau thảm họa, các dòng tiền đầu tư ra nước ngoài, tìm kiếm được lợi nhuận ổn định sẽ bù đắp được những thiếu hụt này trong dài hạn. Ngoài ra, sự mạnh lên của đồng Yên cũng thúc đẩy và tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
Theo ông, đâu là những lý do khiến các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam ? Ông có thể cho biết, quy mô của mỗi khoản đầu tư họ đổ vào Việt Nam, các lĩnh vực mà họ quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam ?
Khi nhu cầu trong nước đã bão hòa, bất kỳ công ty nào tại Nhật Bản cũng mong muốn mở rộng sản xuất - kinh doanh ra nước ngoài và thị trường mà họ quan tâm nhất chính là các thị trường đang phát triển. Quy mô của mỗi khoản đầu tư phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp được đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp với quy mô lớn là cơ hội đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài để dễ dàng hơn trong việc đạt được doanh số bán hàng và mở rộng thị phần.
Tỷ giá khá thấp của đồng Việt Nam so với các ngoại tệ mạnh như USD, Euro, Yên và giá cổ phiếu thấp so với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều công ty niêm yết là cơ hội đầu tư rất tốt cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Về cơ bản, tôi có thể khẳng định rằng, các nhà đầu tư trên thế giới nên quan tâm đầu tư vào các thị trường đang phát triển như Việt Nam. Riêng với Nhật Bản thì Việt Nam dành được mối quan tâm đặc biệt, từ yếu tố lịch sử, văn hóa và chiến lược quốc gia.
Đâu là những tiêu chí mà nhà đầu tư Nhật Bản đặt ra khi tìm kiếm các địa chỉ đầu tư? Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để đón được dòng tiền đầu tư từ Nhật Bản, thưa ông?
Đội ngũ quản lý tốt, minh bạch trong kế toán, thị trường đang phát triển, giá cả hợp lý sẽ là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đã có các yếu tố này, chúng ta cần thúc đẩy trao đổi thông tin giữa các bên. Cả hai bên phải luôn nỗ lực để hiểu nhau hơn. Từ đó, các khoản đầu tư sẽ dễ dàng xúc tiến hơn.
Việc gọi vốn từ nước ngoài đang rất quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn lực trong nước hạn chế. Ông có thể cho biết vai trò của các công ty tư vấn trong các thương vụ này?
Vai trò của công ty tư vấn như PSI là làm trung gian giữa các công ty thông qua thị trường vốn. Vừa qua, PSI đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, bất động sản, dầu khí... tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài và huy động hàng trăm triệu USD từ các thương vụ này. Từ nay đến năm 2012, giá trị các thương vụ do chúng tôi triển khai lên tới hàng tỷ USD, sẽ hỗ trợ rất nhiều về vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Với đối tác SMBC và cổ đông chiến lược SMBC-Nikko, các thông tin về thị trường Việt Nam và PSI cũng sẽ được chúng tôi trợ giúp quảng bá trên thị trường thế giới.
Ông có khuyến cáo gì về những chính sách có thể giúp thị trường vốn Việt Nam thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư?
Hiện nay, tại Việt Nam, việc đảm bảo chuyển đổi từ đồng Việt Nam sang ngoại tệ từ thu nhập hoặc lợi nhuận được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm. Mặt khác, những ưu đãi về thuế; phát triển cơ sở hạ tầng như điện, giao thông vận tải là rất cần thiết đối với việc thu hút đầu tư. Hiện có một lưu ý là trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam , nhiều quy định đưa ra các hướng dẫn và cách thực hiện không rõ ràng. Đây là lý do quan trọng cản trở dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.