Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, thường được gọi tắt bằng cái tên quen thuộc, gắn liền với màu sắc của nó mà gần như người dân Việt Nam nào cũng biết là “sổ đỏ”. Đây là một loại giấy tờ vô cùng quan trọng và rất giá trị với người sử dụng đất, sở hữu nhà.
Chính vì vậy, tại nhiều dự án đất nền được mở bán gần đây, ngoài quảng cáo về vị trí, hạ tầng, hỗ trợ vốn, thì “sổ đỏ trao tay” luôn là điểm được chủ đầu tư coi là thế mạnh hút khách.
Trên lý thuyết, thủ tục làm sổ đỏ khá đơn giản (có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng internet), miễn là có đủ các loại giấy tờ hợp pháp và nộp các loại phí theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, “đoạn trường sổ đỏ” khiến rất nhiều người trong cuộc phải than thở… “đời không như là mơ”!
Trong khi “người chết lại được cấp sổ đỏ”, như thông tin mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật nêu ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thì cả nghìn, cả vạn người sở hữu nhà hiện nay, nhất là ở các dự án nhà ở mòn mỏi hàng năm trời vẫn không có được cái giấy chứng minh quyền sở hữu nhà ở của mình.
Tại sao một thủ tục đơn giản như thế mà các chủ đầu tư lại chây ỳ, gây bức xúc cho khách hàng, bị cơ quan chức năng “bêu danh”, mất uy tín, hình ảnh, thậm chí phải đối diện với những mức phạt cả tỷ đồng theo quy định mới tới đây?
Có lẽ, cái lý do khó nói đó gần đầy đã dần được hé lộ khi câu chuyện “phí làm sổ đỏ” được rộ lên. “Phí” nói tới ở đây không phải là các loại phí, lệ phí làm sổ đỏ theo quy định của Bộ Tài chính, mà một loại phí không có tên cụ thể nào trong quy định. Người dân, hay giới báo chí gọi là “phí bôi trơn”, còn ở các chủ đầu tư, mỗi DN lại có tên gọi khác nhau. Và dĩ nhiên, vì nó không có trong quy định, nên hóa đơn, chứng từ cũng không có.
Cụ thể, cư dân Dự án Euroland (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư phản ánh chuyện nộp 7 triệu đồng “phí bôi trơn” làm sổ đỏ cho chủ đầu tư, mà không nhận về bất kỳ hóa đơn, chứng tư nào. Theo chủ đầu tư, thì đây là phí “đo trích lục căn hộ, kiểm tra và thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, phí in ấn và các chi phí khác”.
Trước đó, nhiều hộ dân tại Dự án N09 B2, Khu đô thị mới Dịch Vọng do CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) cũng bức xúc về việc chủ đầu tư muốn thu thêm 0,5% giá trị hợp đồng mới chịu làm sổ đỏ. Theo ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Lideco đó là “phí cần thiết”.
Mới đây, Đầu tư Bất động sản cũng nhận được đơn của cư dân Dự án Đại Thanh do Xí nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư, phản ánh việc chủ đầu tư đòi 5,1 triệu đồng/hộ gọi là “tiền xăng xe, thuốc nước…, cho nhân viên đi làm sổ đỏ…”!(?).
Và theo những phản hồi của độc giả về Đầu tư Bất động sản thì không chỉ tại 3 dự án nói trên mới có các loại phí “xăng xe thuốc nước…”!
Nói về trách nhiệm làm sổ đỏ, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico khẳng định, điều này là nghĩa vụ của chủ đầu tư, các chi phí trong việc làm sổ đỏ, chủ đầu tư phải chịu, khách hàng chỉ có nghĩa vụ phải đóng tiền thuế trước bạ. Việc chủ đầu tư thu thêm tiền của khách hàng để làm sổ đỏ là một đòi hỏi sai trái, cản trở việc làm sổ đỏ cho cư dân.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Chủ đầu tư cầm hồ sơ của khách hàng đi làm sổ chắc cũng khó tránh được những khoản phí khó nói hay được gọi là “file đính kèm” .
Vì vậy, nếu không được thu tiền của dân trong việc làm sổ đỏ thì kể cả khi quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được ban hành và có hiệu lực từ 25/12/2014 được thực hiện nghiêm, chủ đầu tư cũng chấp nhận chọn phương án kinh tế hơn là nộp phạt 1 - 2 tỷ đồng cho việc chậm làm sổ đỏ cho dân!
Lãnh đạo Bộ Tài Nguyên - Môi trường và lãnh đạo TP. Hà Nội từng cho biết, chưa có phản ánh về chuyện “phí bôi trơn” làm sổ đỏ và khuyến khích cá nhân, tổ chức phản ánh về việc này. Tuy nhiên, thật khó chờ đợi sự lên tiếng của chủ đầu tư nếu họ vẫn đang còn hoạt động trên thị trường.
Như vậy, câu chuyện ngăn chặn chủ đầu tư thu tiền trái phép của người dân, trong khi vẫn phải đẩy nhanh tiến độ cấp sổ có lẽ lại phải quay về cái gốc của nó. Đó chính là minh bạch hóa, tăng cường hoạt động giám sát bộ máy hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc kiểm soát chặt và minh bạch hóa hoạt động tại "địa chỉ gốc" của cái sổ đỏ mới là cái gốc của câu chuyện dài nhiều tập này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: Phía Bắc: Anh Trọng Hiếu (0904.405.665). Phía Nam: Anh Tăng Triển (0989.108.610). Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com Phát hành Hà Nội: 47 Quán Thánh, Ba Đình - ĐT: 04 38450537/Fax: 04 38235281 |