Ðể thông điệp trên được triển khai hiệu quả trên thực tế, đòi hỏi sự vào cuộc của cả các bộ, ngành lẫn từng doanh nghiệp.
Tín hiệu tích cực là đang có sự chuyển động đáng chú ý từ phía cơ quan quản lý. Ðích thân lãnh đạo cao nhất của Bộ Tài chính tìm cách “bán hàng” cho thị trường chứng khoán, cũng như tìm đầu ra cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Cách “tiếp thị”, “bán hàng” của lãnh đạo Bộ Tài chính đang có những hình thức mới. Ngoài trực tiếp cung cấp thông tin về chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa gắn với lên sàn chứng khoán, về thoái vốn nhà nước, về tiềm năng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo Bộ này còn tranh thủ truyền tải thông tin tới các chính trị gia.
Ðiều này được thể hiện tại các cuộc làm việc mới đây với Ðại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong; Ðại sứ Áo tại Việt Nam Thomas Schuller Gotzburg; ông David Shear, nguyên Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hiện là cố vấn cao cấp Công ty McLarty Associates; ông Steve Okun, Trưởng đại diện ASEAN của Hiệp hội Ðầu tư vốn tư nhân vào các thị trường mới nổi…
Tiếp xúc với các tổ chức đầu tư tài chính, Bộ Tài chính cung cấp thông tin về thị trường chứng khoán, về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để họ có thêm thông tin cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên, làm việc với lãnh đạo các tổ chức dường như không liên quan mà lại đề cập sâu về những nội dung này, đặc biệt là tiềm năng phát triển rộng mở của thị trường chứng khoán, khiến thị trường đặc biệt quan tâm.
Ðược biết, không phải là kiểu trao đổi thông tin mang tính ngoại giao, mà trong các cuộc làm việc đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đưa ra những đề xuất hợp tác cụ thể. Chẳng hạn, khi làm việc với Ðại sứ Singapore tại Việt Nam, Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng “đặt hàng” phía Singapore hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, giám sát và quản lý thị trường chứng khoán phái sinh, quản trị doanh nghiệp của công ty niêm yết và công ty đại chúng, tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá hình ảnh thị trường chứng khoán, tiến trình cổ phần hóa với nhà đầu tư Singapore, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt niêm yết tại Singapore…
Những chuyển động mới trong cách tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài như trên phần nào cho thấy cách nhìn mới của nhà quản lý về tính cầu thị trong mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, về vai trò của thị trường chứng khoán trong góp phần đảm bảo thành công cho tiến trình thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa gắn với lên sàn chứng khoán…
Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả trên thực tế, đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ hơn cả từ phía nhà quản lý lẫn các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tiến trình này đang diễn ra khá chậm.