Thông thường, việc doanh nghiệp IPO hoặc bán vốn theo kiểu “vừa làm, vừa chạy” không hiếm, vừa lên kế hoạch tổ chức sự kiện, vừa mời mọc nhà đầu tư tham dự, vừa chờ đợi quyết định phê duyệt kế hoạch cụ thể từ cơ quan cấp trên. Nhưng vào giờ chót, kế hoạch lại chưa được ký thông qua, vậy là đành họp “chay”, tức là tổ chức sự kiện cho có, như kiểu “đánh động” với nhà đầu tư rằng, tới đây tôi sẽ bán vốn.
Ðến dự một buổi roadshow về IPO hay thoái vốn, câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm nhất là phương thức bán, cách xác định giá khởi điểm, hoạt động của doanh nghiệp, thời điểm bán vốn… Giám đốc một quỹ đầu tư cho rằng, nếu doanh nghiệp bán vốn chưa có đầy đủ thông tin để trả lời những vấn đề nhà đầu tư quan tâm, buổi roadshow có thể “lợi bất cập hại”, vì nó vừa cho thấy bên có quyền quyết định bán chưa thật sẵn sàng trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia đợt bán vốn, vừa thể hiện sự không chuyên nghiệp trong cách thức thực hiện bán vốn.
Có nhà đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi: Liệu có phải do thấy giá cổ phiếu SAB tăng vùn vụt trên thị trường thứ cấp mà Bộ Công thương muốn đợi giá cao hơn, từ đó bán được hời hơn?
Thị trường biến động liên tục, nếu giá SAB giảm giá mạnh thì sao? Nếu giá SAB giảm mạnh, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ trong lần thoái vốn doanh nghiệp này?...
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SAB sau khi lập đỉnh với 318.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 24/11, đã giảm xấp xỉ 5% trong phiên 25/11.
Ðã có những ý kiến đánh giá rằng, giá SAB hiện quá đắt, đơn cử như nhận xét mới đây của ông Hui Choon Kit, Giám đốc Tài chính của Fraser & Neave Ltd. Với mức EPS 9 tháng đạt 5.219 đồng trên mỗi cổ phiếu, ở mức giá hiện tại, vốn hóa SAB đã lên tới xấp xỉ 200.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 3 thị trường, sau VNM và VIC.
Tại mức giá hiện nay, P/E của SAB lên tới gần 60 lần, vượt xa các “đại gia” bia thế giới như Carlsberg (P/E 23), Heineken (P/E 26), ThaiBev (P/E 17), San Miguel (P/E 24)...
Tất nhiên, PE chỉ là một chỉ số để đánh giá cổ phiếu, khả năng tăng trưởng trong tương lai mới là quan trọng. Song, cũng có những ý kiến cho rằng, ở mức PE là 60 lần, giá cổ phiếu Sabeco không có lợi cho các nhà đầu tư chiến lược như các hãng bia quốc tế để đầu tư.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, nếu chỉ đặt mục tiêu thu được giá cao trong đợt đấu giá, đó có thể báo trước một sự thất bại, vì nhà đầu tư trả giá cao sẽ tạo áp lực lớn với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một mức giá phù hợp sẽ có lợi lâu dài cho các bên, gồm Nhà nước, cổ đông lớn, doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp.
Nhà nước bán một lượng lớn cổ phần tại SAB, ước tới 53% vốn. Bởi vậy, một chiến thuật hợp lý, đúng thời điểm là quan trọng, vì nếu bán không hết cổ phần, trong các đợt bán tiếp theo, kịch bản "đè" giá để mua được giá thấp rất có thể sẽ xảy ra.