Cách khác chấm điểm minh bạch của doanh nghiệp lớn Việt Nam

(ĐTCK) Trong khi tại Việt Nam, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất hay Chương trình chấm điểm quản trị công ty đã và đang “khám” sự minh bạch của DN niêm yết theo chủ điểm về tài chính và quản trị, thì Tổ chức Hướng tới minh bạch chọn một cách khác để đánh giá sự minh bạch của DN Việt Nam. 
Kinh doanh liêm chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo điều kiện tốt hơn để thâm nhập thị trường quốc tế Kinh doanh liêm chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo điều kiện tốt hơn để thâm nhập thị trường quốc tế

Một trong những tiêu chí tổ chức này đánh giá là chất lượng công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng. Đây đang là điểm yếu nhất của DN nội địa.

Thiếu công khai thông tin về phòng, chống tham nhũng

Tổ chức Hướng tới minh bạch - Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo thực tiễn công bố thông tin của 30 DN lớn nhất Việt Nam với mức điểm khá thấp (xem bảng).

Cách khác chấm điểm minh bạch của doanh nghiệp lớn Việt Nam ảnh 1
Cơ chế báo cáo theo quốc gia: điểm trung bình 0%
Về cơ chế báo cáo theo quốc gia, các doanh nghiệp được đánh giá đều có mức độ công khai thông tin kém. Nghiên cứu này không tìm được bất kể thông tin nào được công khai để đưa vào báo cáo. Các quy định hiện hành của Việt Nam không yêu cầu các doanh nghiệp tiết lộ thông tin tài chính về hoạt động ở nước ngoài của họ.
Nguồn: Báo cáo thực tiễn công bố thông tin 30 DN lớn nhất Việt Nam của Tổ chức Hướng tới minh bạch 

Tạm chưa bàn đến tiêu chí đánh giá, nhưng kết quả trên được công bố công khai cho thấy, DN Việt Nam phải có một cách làm khác mới có thể tạo niềm tin trong kinh doanh toàn cầu.

Năm 2017 là năm thứ 8 Tổ chức minh bạch quốc tế công bố Báo cáo đánh giá thực tiễn minh bạch thông tin của các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia, nhưng là năm đầu tiên, các DN Việt Nam được đưa ra đánh giá.

Đánh giá sự minh bạch của Tổ chức trên dựa trên 3 khía cạnh: i) công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng; ii) minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp; và iii) báo cáo hoạt động ở từng quốc gia (*).

30 DN được đánh giá được lựa chọn theo danh sách VNR500, bao gồm 10 công ty niêm yết, 10 doanh nghiệp nhà nước, 10 công ty có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Báo cáo của tổ chức này cho thấy, minh bạch sức khỏe tài chính là một cấu phần trong bức tranh rộng hơn, cần sự minh bạch tại DN Việt Nam.

Xét trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Minh bạch quốc tế cho rằng, tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của các công ty ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng, các khoản thanh toán không chính thức sẽ đem lại lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài năng lực phát triển của họ sẽ suy giảm.

Tham nhũng phá huỷ tính toàn vẹn của văn hóa doanh nghiệp, cản trở sự đổi mới, hạn chế sự mở rộng và đặt uy tín của họ vào rủi ro.

Tổ chức này đánh giá, tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng mới nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng, mà chưa có cơ chế để thúc đẩy vai trò chủ động. Có nhiều quy định đề cập đến việc công khai, minh bạch của các doanh nghiệp như một biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng việc thực thi vẫn còn hạn chế.

Luật này mới chỉ dừng ở “khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh lành mạnh, xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ để ngăn chặn các hành vi tham nhũng, hối lộ”, nên phần lớn các doanh nghiệp không áp dụng các biện pháp này và cũng khuyết hẳn nội dung thông tin về mục này trong các báo cáo ra công chúng.

Liên quan đến việc thực hiện công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng, điểm trung bình của 30 doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá chỉ đạt 10%, trong đó các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt điểm trung bình 2% (100% là công khai nhiều nhất; 0% là công khai ít nhất).

Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cho rằng, đây là điểm DN Việt Nam phải cải tổ, vì kinh doanh liêm chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo điều kiện tốt hơn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế.

Cần xây dựng một lớp DN Việt Nam có khả năng phát triển độc lập

Ở một diễn biến khác, Hội thảo khoa học về quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo tổ chức ngày 13/6/2017, câu chuyện về minh bạch, kinh doanh liêm chính đã nhận được nhiều đánh giá thẳng thắn của diễn giả.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng, trong nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một trong những việc phải làm là giảm chi phí cho các DN.

“Trong giảm chi phí, thì việc giảm chi phí tuân thủ luật pháp là quan trọng nhất, nhưng nội dung này lại chưa được nhận thức thấu đáo”, ông nói.

Theo ông Dũng, để các nguồn lực của đất nước được sử dụng hiệu quả, Nhà nước cần tạo cơ hội bình đẳng, công bằng cho cả khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực này. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay tồn tại không ít hiện tượng DN muốn thành công phải “làm thân” với chính quyền.

“Làm thế nào cắt được mối quan hệ thân hữu DN - chính quyền để mọi chủ thể đều hoạt động minh bạch và bình đẳng trước pháp luật là vấn đề rất thách thức. Dù thách thức, đây vẫn là việc phải làm để xây dựng một Chính phủ kiến tạo trong đó có sự hợp sức của các DN kiến tạo”, ông Dũng nói.

Cùng chủ đề này, ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới đánh giá rằng, Việt Nam đang thiếu đi một tầng lớp doanh nghiệp có khả năng phát triển độc lập với Chính phủ. Việc xây nên tầng lớp này mất nhiều thời gian, nhưng Việt Nam cần làm lớn nhóm này, mới có thể phát triển một nền kinh tế dựa trên sức sáng tạo và thực tài của DN.

Có rất nhiều việc phải làm để xây dựng tầng lớp doanh nghiệp trên, nhưng 2 lời khuyên của chuyên gia Ngân hàng thế giới cho Việt Nam, đó là phải tạo sân chơi bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực tài chính giữa khu vực DNNN và DN tư nhân, đồng thời ưu tiên phát triển khu vực kinh tế tư nhân bằng các chính sách cụ thể, để khơi thông sức sáng tạo của người dân và xây dựng nên các DN tư nhân thực sự lớn và lành mạnh, chứ không phải là tầng lớp các DN “núp bóng” như hiện nay.        

Minh bạch thông tin về phòng, chống tham nhũng, điểm mới đạt 10%

- 24% các doanh nghiệp FDI thực hiện tốt hơn các doanh nghiệp được đánh giá còn lại trong việc công khai các chương trình phòng, chống tham nhũng.

- Cargill Việt Nam và Posco Việt Nam, với điểm số 65%, là những doanh nghiệp công bố thông tin rõ ràng nhất về các chương trình phòng, chống tham nhũng.

- 7 trong tổng số 30 doanh nghiệp công khai việc cam kết tuân thủ các luật có liên quan, bao gồm Luật Phòng, chống tham nhũng.

- 6 trong tổng số 30 doanh nghiệp công bố các chính sách về quà tặng và chiêu đãi.

- 2 trong tổng số 30 doanh nghiệp tuyên bố rằng, các quy tắc ứng xử của họ áp dụng cho tất cả nhân viên và giám đốc.

- 6 trong tổng số 30 doanh nghiệp công khai các chính sách nghiêm cấm việc đe dọa hoặc trả đũa người tố cáo; chỉ có 5 doanh nghiệp một phần/ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về công khai đường dây tố cáo được bảo mật.

- Các đóng góp về mặt chính trị là thông tin ít minh bạch nhất, không được công khai bởi bất kỳ doanh nghiệp nào.

DN niêm yết thực hiện công bố thông tin tốt hơn các DN khác

-  0 trong tổng số 30 doanh nghiệp có công bố thông tin về tất cả khía cạnh: công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng; minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp; cơ chế báo cáo theo quốc gia.

-  9 trong tổng số 30 doanh nghiệp công bố công khai chương trình phòng, chống tham nhũng. Các doanh nghiệp FDI có điểm số tốt nhất trong lĩnh vực này.

-  18 trong tổng số 30 doanh nghiệp công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu. Về khía cạnh này, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các công ty niêm yết thực hiện công bố thông tin tốt hơn các doanh nghiệp khác.

-  14 trong tổng số 30 doanh nghiệp công khai về các công ty con và công ty liên kết tại nước ngoài. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào công khai thông tin tài chính liên quan đến hoạt động của các công ty đó.

-  4 trong tổng số 30 doanh nghiệp không có trang điện tử và nhận được điểm 0%.

DN niêm yết minh bạch cao về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu

- Với điểm trung bình 64%, các công ty niêm yết thực hiện tốt nhất việc công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp.

-  FPT và Vinamilk, với mức điểm 100%, là những doanh nghiệp có kết quả tốt nhất trong khía cạnh này.

-  Trong 10 doanh nghiệp FDI, không có doanh nghiệp nào công khai thông tin về các công ty con.

-  9 trong tổng số 28 doanh nghiệp được đánh giá trong mục công bố thông tin về công ty không hợp nhất hoàn toàn không công khai thông tin, do đó, không đáp ứng tiêu chuẩn của Báo cáo này về công bố thông tin về tất cả các công ty con bất kể quy mô lớn hay nhỏ. 

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục