Trên chặng đường đó, cuộc bình chọn Báo cáo thường niên đã song hành cùng TTCK 9 năm và tiếp tục đồng hành, nỗ lực thúc đẩy sự minh bạch, cùng hướng đến mục tiêu chung là xây dựng và nâng hạng TTCK Việt Nam trên bản đồ TTCK thế giới.
Trải qua 20 năm thành lập ngành chứng khoán, 16 năm chính thức vận hành TTCK Việt Nam chỉ với 2 cổ phiếu REE và SAM lúc ban đầu, đến nay, quy mô vốn hóa thị trường đã đạt 1,687 triệu tỷ đồng (tính đến 19/10/2016), tăng 24% so với cuối năm 2015 và tương đương 40% GDP.
Không quá dài so với nhiều thị trường đã phát triển, nhưng 20 năm là cả một quá trình vận động, với nhiều sự đóng góp không ngừng nghỉ của các cá nhân, tổ chức trong việc phân bổ nguồn cho DN, cổ phần hóa DN do Nhà nước sở hữu theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Khởi đầu từ sáng kiến của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, Báo Đầu tư Chứng khoán, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) từ năm 2007, sang năm 2008, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên lần đầu tiên xuất hiện trên TTCK Việt Nam với mục đích lớn nhất là chọn lọc và vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt việc minh bạch hóa thông tin, có nền tảng quản trị tốt thông qua báo cáo tổng kết năm hoạt động của doanh nghiệp trên Báo cáo thường niên. Qua đó, cuộc bình chọn đã góp phần giúp các DN niêm yết nâng cao nhận thức về minh bạch thông tin, một thước đo phát triển thị trường thông qua các chỉ tiêu minh bạch thông tin DN, chất lượng quản trị, quyền tiếp cận thông tin của cổ đông.
Từ những năm đầu thị trường, đại đa số các công ty niêm yết lập Báo cáo thường niên như một dạng báo cáo nhằm tuân thủ quy định về công bố thông tin, chứ chưa chú trọng về chất lượng thông tin để cung cấp cho nhà đầu tư và cổ đông.
Mùa giải đầu tiên của Cuộc bình chọn chỉ có 33 DN được chấm điểm và 6 giải thưởng trao cho 6 báo cáo tốt nhất. Đáng chú ý, những báo đầu tiên ấy đều thuộc về những DN hàng đầu trong các lĩnh vực, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt qua các năm và cổ phiếu của các DN này đến nay đều là những cổ phiếu blue-chip.
Có thể kể đến trong đó là báo cáo của CTCP Sữa Việt Nam (VNM), sau 2 năm niêm yết trên HOSE, tham gia cuộc bình chọn và đoạt giải Ba ngay năm đầu tiên. Không chỉ vậy, VNM là DN luôn đạt các giải cao trong các mùa chấm giải sau đó và cũng là một trong những DN tiên phong trong việc thực hiện báo cáo có nội dung phát triển bền vững.
Trên TTCK Việt Nam, nhà đầu tư cũng không còn xa lạ với cổ phiếu tăng trưởng VNM, từ vốn điều lệ 4.666 tỷ đồng năm 2008, đến cuối năm 2015 là 20.294 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần; tỷ lệ cổ tức đều đặn và hấp dẫn, từ 30%/mệnh giá năm 2010 lên 60%/mệnh giá trong năm 2016.
Có thể nói, VNM đạt được thành quả trên chính là nhờ khả năng quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh doanh, mục tiêu lợi nhuận được các bên liên quan đặt ra.
Bên cạnh VNM, nhiều “gương mặt thân quen” khác cũng đã rinh giải thưởng về minh bạch từ Cuộc bình chọn năm 2008 như Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), CTCP FPT (FPT), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí – CTCP (DPM)… Đặc điểm chung của 5 DN này là đều có sự tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận và cổ phiếu được nhiều NĐT trong và ngoài nước săn đón.
Báo cáo thường niên của ngày hôm nay: đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng
Ngày nay, các nguồn thông tin không chính thống, trôi nổi, mang nhiều rủi ro đã không được nhà đầu tư đánh giá cao, thay vào đó là các nguồn tin chính thức từ DN thông qua các kênh công bố thông tin như website DN, cổng thông tin của các Sở GDCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các ấn phẩm và các buổi đối thoại nhà đầu tư do DN tổ chức..., đặc biệt với các nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp, lại càng chú trọng đến chất lượng, tính thời sự về thông tin mà DN niêm yết công bố, từ đó đánh giá mức độ minh bạch, tín nhiệm đối với ban lãnh đạo DN, một trong những yếu tố quan trọng để ra quyết định đầu tư vào DN hay không.
Minh bạch hóa thông tin không chỉ thể hiện qua việc công bố thông mang tính định kỳ như Báo cáo thường niên, mà còn thể hiện qua chất lượng thông tin trong báo cáo. Báo cáo thường niên được xem là một dạng ấn phẩm đặc biệt, tổng kết các mặt hoạt động, kinh doanh của DN, bao gồm cả quản trị nội bộ. Báo cáo thường niên càng đầy đủ thông tin càng thể hiện rõ tầm nhìn, định hướng của lãnh đạo DN.
Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên không đánh giá về mức độ sinh lời của DN, mà đánh giá tính minh bạch thông tin. Yêu cầu về Báo cáo thường niên ngày càng khắt khe hơn, lấy cơ sở là quy định về công bố thông tin, nhưng việc xem xét tính đầy đủ, đáng tin cậy của thông tin trong báo cáo là phần cực kỳ quan trọng, được thực hiện bởi một hội đồng độc lập và uy tín tại Cuộc bình chọn.
Nhà đầu tư về cơ bản tin tưởng hơn vào những DN có báo cáo đoạt giải, là những DN minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh, thường được công bố kịp thời, đúng lúc, phản ảnh đúng hiệu quả làm việc của bộ máy.
Không chỉ dành riêng cho mục đích cung cấp thông tin đến nhà đầu tư, cổ đông, DN còn sử dụng Báo cáo thường niên như một công cụ để tự quảng bá mình, giới thiệu sản phẩm, uy tín DN đến khách hàng, ban lãnh đạo công ty đưa ra các thông điệp, định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ, cam kết về trách nhiệm đối với người lao động và xã hội. Báo cáo thường niên ngày nay còn là công cụ thể hiện diện mạo DN.
Tại HNX, chương trình chấm điểm minh bạch và công bố thông tin đã được thực thi từ năm 2012, chung mục tiêu đốc thúc các DN minh bạch và tiếp cận các chuẩn mực quản trị tiên tiến
Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững
Qua các năm, Cuộc bình chọn đã mở rộng nội dung đánh giá, từ năm 2013, bổ sung Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững và gần đây nhất, tại mùa giải 2014, là nội dung Quản trị Công ty, đã được Ban Tổ chức đưa vào đánh giá và vinh danh. Đây là động thái tích cực của Ban Tổ chức trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của quản trị công ty đối với DN niêm yết.
Cơ chế quản trị công ty tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, rõ rệt trong hoạt động kinh doanh, đồng thời giảm thiểu các rủi ro từ cách quản trị lỗi thời, không hiệu quả mang lại.
Giải thưởng cho nội dung này không chỉ nâng cao chất lượng của Cuộc bình chọn, mà còn tạo ra một thước đo mới trong việc đánh giá, xếp hạng minh bạch DN bằng cách rà soát việc áp dụng các quy định, thông lệ quốc tế về quản trị công ty dành cho công ty đại chúng quy mô lớn theo Thông tư 121/2012/TT-BTC và các nguyên tắc về quản trị công ty do OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế) ban hành.
Qua Cuộc bình chọn, về nội dung này, công chúng đầu tư sẽ nhận được những thông tin đáng tin cậy về thực trạng quản trị DN của các tổ chức niêm yết, DN qua đó có cái nhìn khách quan hơn về cơ cấu quản trị của mình, từ đó có hướng cải thiện chất lượng, mô hình quản lý và áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn, nâng tầm quản trị và minh bạch, hướng đến phát triển bền vững. Những DN chưa đoạt giải qua đây cũng tự nhìn nhận được mức độ tin cậy của Báo cáo thường niên của mình, từ đó cải thiện chất lượng báo cáo, tăng cường minh bạch thông tin cho cổ đông…
Được vinh danh tại Cuộc bình chọn, DN khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng DN, đặc biệt là các DN niêm yết trên TTCK, khẳng định cổ phiếu – hàng hóa của mình trên TTCK là hàng tốt, DN mình chính là điểm đến đầu tư.
Tại giải thưởng cho báo cáo năm 2015, đã xuất hiện nhiều cái tên mới, rất ấn tượng như báo cáo của CTCP Sợi Thế Kỷ đạt giải thưởng tin cậy cho Báo cáo Phát triển bền vững, mặc dù mới niêm yết được 1 năm.
Điều đó cho thấy, không chỉ những DN niêm yết lâu năm mới nhận thức được tầm quan trọng của việc công bố các thông tin phi tài chính. Hàng năm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã được các tổ chức kiểm toán độc lập xác minh qua Báo cáo tài chính năm, nhu cầu của nhà đầu tư ngày nay tiến đến tiếp cận các thông tin về chất lượng quản trị nội bộ, các quy tắc ứng xử của DN với khách hàng, đối tác, người lao động và đặc biệt là thực thi trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility – CSR).
Phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm
Đầu tư có trách nhiệm trở thành xu thế của thế giới. Các quỹ đầu tư được hỏi đều khẳng định, có tích hợp quy trình đánh giá môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào quá trình đánh giá phân tích DN để đầu tư. Các DN có thông tin ESG công bố rộng rãi qua website, qua Báo cáo Phát triển bền vững sẽ là một điểm cộng.
Ngoài ra, các quỹ còn tự tìm đến DN để tra cứu thông tin, khảo sát từ các nguồn khác nhau để đảm bảo tính chính xác của thông tin, đảm bảo đồng vốn đầu tư của họ không đi vào những DN có tác động xấu đến môi trường, xã hội. Một số quỹ công khai quy tắc đầu tư trách nhiệm của mình bằng việc ký cam kết với UNPRI (Tổ chức đầu tư có trách nhiệm thuộc Liên hợp quốc - www.unpri.org).
Năm 2013, Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững – một hợp phần của Cuộc bình chọn, đã được triển khai với một Hội đồng bình chọn độc lập đến từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc Phòng Công nghiệp và Thương Mại Việt Nam – VCCI), đã đưa ra đánh giá các báo cáo phát triển bền vững của DN niêm yết trên cả hai Sở.
Qua 3 năm thực hiện, chất lượng các Báo cáo đã tiến dần đến chuẩn mực quốc tế, áp dụng chuẩn Báo cáo của GRI – phiên bản 4. Đặc biệt, tại mùa giải 2015, Tập đoàn Bảo Việt đã đi tiên phong trong việc lập Báo cáo tích hợp – sử dụng kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo phát triển bền vững của mình, phát triển ứng dụng di động để xem báo cáo thay cho bản in truyền thống – đây được cho là một bước đi tiên phong trong thực thi, đưa các mục tiêu bảo vệ môi trường vào thực tế.
Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 155/2015/TT-BTC, thay thế Thông tư 52/2012/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, đã có những cải thiện đáng kể trong việc đưa TTCK Việt Nam tiến đến các chuẩn mực quốc tế, rút ngắn khoảng cách với các TTCK trong khu vực ASEAN.
Theo đó, các công bố thông tin phi tài chính bao gồm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, thực thi trách nhiệm xã hội và sáng kiến phát triển bền vững được đi vào phụ lục Báo cáo thường niên để DN công bố. Cùng với đó là khuyến khích công bố thêm thông tin bằng tiếng Anh, mà Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã hướng dẫn, đăng ký kèm cam kết trong quy chế công bố thông tin năm 2016.
Đến nay, bước đầu đã có những kết quả tương đối tích cực, khi có một số DN đã ký đăng ký và cam kết công bố thêm thông tin bằng tiếng Anh. Đây là bước khởi đầu trong giai đoạn hội nhập và tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, nhằm giảm thiểu các trở ngại trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Kỳ vọng đổi mới ở mùa giải 10 năm
Qua 9 năm triển khai Cuộc Bình chọn, đã có nhiều thay đổi kể từ mùa giải đầu tiên, Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn cũng vừa học vừa làm, vừa cập nhật các thay đổi thông lệ quốc tế, các điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Độ sâu trong đánh giá, nhận xét các báo cáo được thể hiện rõ ở mỗi cuối kỳ, qua các nhận định trên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Không thể phủ nhận giải thưởng đã khích lệ DN rất nhiều trong minh bạch thông tin trên thị trường, thông tin về TOP 30, TOP 50 trên website www.aravietnam.com cũng là một kênh để nhà đầu tư có thể tham khảo, DN cũng có thể nhận ra vị trí của mình ở đâu để phấn đấu, cải thiện. Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao Vingroup (VIC), Hoa Sen (HSG), Coteccons (CTD)…, những cái tên lừng lẫy, lại chưa từng đoạt được một giải thưởng nào những năm gần đây, phải chẳng cách chấm và bình chọn báo cáo vẫn duy trì theo một hướng nào đó mà những DN đã làm tốt những năm trước vẫn giữ mãi thứ hạng, các DN khác khó lòng vượt qua? Hay việc tuân thủ đầy đủ các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế đã đủ để nắm các thứ hạng cao, mà nội dung, câu chuyện kinh doanh trong từng cuốn báo cáo đã không được xét đến như là một cấu phần quan trọng?
Mùa giải 2017 dành cho các báo cáo năm 2016, cũng là kỷ niệm 10 năm của Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất, sẽ hứa hẹn có nhiều thay đổi trong cơ cấu giải thưởng, nhà đầu tư và công chúng quan tâm mong đợi sẽ xuất hiện nhiều cái tên mới, không chỉ là VNM, BVH, FPT, HSC…
Để làm được điều đó, chắc hẳn trước mùa giải này, Ban Tổ chức phải có những hoạt động đi kèm để vận động DN niêm yết đánh giá lại các báo cáo của họ, tổ chức phát hành sớm hơn và đặc biệt là những DN mới niêm yết, để cách báo cáo thêm phần đa dạng, phong phú, tránh đi vào những lối mòn.