Cách giảm thêm lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ tiết giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay, mà các ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và đầu tư.

Mang đến những giá trị tài chính tăng thêm

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB

Từ đầu năm 2023 đến nay, những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn, cùng với đó, kiểm soát lạm phát, duy trì thanh khoản dồi dào, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định.

Tại MSB, với khách hàng cá nhân, MSB đã thực hiện một số lần điều chỉnh lãi suất cho vay hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Gần đây nhất, vào tháng 6, MSB giảm tiếp 1% lãi suất cho vay với khách hàng hiện hữu. Đối với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp tín dụng với những ưu đãi hấp dẫn về lãi, phí. Sự linh hoạt trong chính sách lãi suất đã giúp tình hình cho vay 6 tháng đầu năm của MSB vẫn đang duy trì ổn định. Tăng trưởng tín dụng chính đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Với nhóm khách hàng cá nhân, hầu hết các sản phẩm tín dụng trọng tâm đều ghi nhận kết quả tương đối tích cực, thể hiện khá đồng đều ở 3 mảng thẻ tín dụng, vay tín chấp và vay thấu chi.

Trong thời gian tới, chiến lược của MSB sẽ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hành trình cho vay, số hóa quy trình, tự động xếp hạng khách hàng. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng cường tính chủ động và kết nối của khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng nghiên cứu, xây dựng các gói giải pháp mới; tiếp tục đánh giá các gói giải pháp hiện hữu để điều chỉnh phù hợp hơn, bao gồm gói giải pháp cho nhóm khách hàng SMEs, xuất nhập khẩu, hàng tiêu dùng và ngành hàng thiết yếu. Từ đó, bên cạnh việc cung cấp sản phẩm nổi trội, MSB có thể mang đến những giá trị tài chính tăng thêm. Đồng thời, MSB gia tăng kết nối hệ sinh thái đối tác và chuỗi liên kết, từ đó tăng cường bán chéo sản phẩm, thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm - dịch vụ dựa trên sự tiện ích và tối ưu.

Xây dựng chương trình “may đo” cho từng khách hàng

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, SHB

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, SHB

Sáu tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô duy trì sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Đóng góp vào kết quả chung, SHB tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, triển khai các định hướng, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

SHB chủ động triển khai nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân thông qua các chương trình tín dụng ngắn và trung hạn dành cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với lãi suất thấp hơn đến 2%/năm so với cho vay thông thường. Đồng thời, đơn giản hoá quy trình cho vay, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và đầu tư. Bên cạnh đó, Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm số hóa toàn bộ quy trình cho vay để rút ngắn thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Một số giải pháp cụ thể mà SHB triển khai trong 6 tháng đầu năm nay như cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, từ đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh, cũng như bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; xây dựng cơ chế chương trình riêng “may đo” cho từng đối tượng khách hàng doanh nghiệp; thu hút các nguồn vốn quốc tế nhằm cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.

Để các ngân hàng được cân đối rủi ro

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, nỗ lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn, từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Với Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và gần đây nhất là điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng lên 14% đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp và ngân hàng. Tôi cho rằng, đây là nền tảng cho phép chúng ta hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc mà ngành ngân hàng không thể tự giải quyết được và rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành. Ví dụ, khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Vậy chúng ta có hỗ trợ không? Thực tế, toàn nền kinh tế có đến 70 - 80% doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, hàng triệu người dân kiệt quệ về tài chính, không có nguồn thu, hàng trăm nghìn công nhân thất nghiệp…

Bài toán này đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan quản lý nhà nước là phải có một chính sách khác, bởi ngành ngân hàng không phải là kho tiền cung cấp vốn cho xã hội. Chính các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn. Khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện vay vốn, hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, có thể chấp nhận cho vay nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.

Chúng ta đã có luật bảo vệ người tiêu dùng, người dân rất tốt, nhưng bên cạnh đó cần có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng. Cần bảo vệ tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ về đầu tư để củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng. Người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất nên tôi mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng có thêm những quy định để ngân hàng, người cho vay có quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ, người đi vay có trách nhiệm trả nợ.

Tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB

ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay như đa dạng kênh huy động, giảm lãi suất huy động bình quân, tiết kiệm các chi phí hoạt động (6 tháng đầu năm 2023 tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống gần 30%).

ACB cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích tăng trưởng tín dụng, bao gồm chương trình cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 3%/năm so với biểu lãi suất, áp dụng rộng rãi đối với tất cả khách hàng, không giới hạn đối tượng, lĩnh vực, đến nay đã giải ngân được hai phần ba ngân sách chương trình, với khoảng 60.000 khách hàng; chương trình giảm từ 0,5 - 2%/năm lãi suất cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất. Tổng hợp các chương trình trên, mức hỗ trợ của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 là 488 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 9 là 900 tỷ đồng và cả năm là 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng thực hiện nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, sau hơn 1 năm triển khai, tính đến 30/6/2023, ACB đạt tổng doanh số giải ngân 1.529 tỷ đồng, tổng dư nợ các khoản hỗ trợ lãi suất là 647 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau 2 tháng triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tính đến cuối tháng 6/2023, có 117 khách hàng với tổng dư nợ 1.201 tỷ đồng được ACB thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

ACB ý thức rất rõ, để kinh doanh bền vững phải hài hòa được lợi ích xã hội, giữa người gửi tiền, người vay và Ngân hàng, nên giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm này. Chỉ có giảm được lãi suất cho vay mới đảm bảo được tăng trưởng tín dụng, giảm nguy cơ nợ xấu phát sinh, duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng vay và đặc biệt góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển. Theo đó, ACB sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục