Các trường hợp doanh nghiệp phải làm giải trình khi công bố Báo cáo tài chính

(ĐTCK) Công ty tôi là công ty cổ phần đại chúng, xin hỏi trong trường hợp nào Công ty phải làm giải trình khi công bố Báo cáo tài chính?
Các trường hợp doanh nghiệp phải làm giải trình khi công bố Báo cáo tài chính

Ông Lê Trung Dũng, Chuyên viên tư vấn quản trị doanh nghiệp, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT:

Việc giải trình đối với các Báo cáo tài chính được quy định cụ thể tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC về Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư 155) và quy chế công bố thông tin tại các sở giao dịch chứng khoán.

Do chưa có đầy đủ thông tin, Công ty là công ty đại chúng hay đại chúng quy mô lớn, đã niêm yết (HSX, HNX), đăng ký giao dịch (HNX) hay chưa nên tổng hợp lại các trường hợp phải giải trình như sau:

1. Giải trình đối với ý kiến của đơn vị kiểm toán:

Căn cứ điểm g khoản 1 điều 9 Thông tư 155: Công ty đại chúng phải công bố thông tin trong thời hạn 24h đối với ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên đối với báo cáo tài chính;

Căn cứ điểm b khoản 1 điều 8 Thông tư 155: công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm, báo cáo kiểm toán kèm theo văn bản giải trình của công ty trong trường hợp kiểm toán không chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính.

Căn cứ khoản 2, 3 điều 11 Thông tư 155: Công ty đại chúng quy mô lớn, tổ chức niêm yết khi công bố Báo cáo tài chính bán niên soát xét và Báo cáo tài chính quý (nếu kiểm toán) phải gửi kèm theo văn bản giải trình trong trường hợp báo cáo tài chính đó có kết luận của kiểm toán viên là không đạt yêu cầu;

 2. Giải trình đối với kết quả hoạt động kinh doanh trên Báo cáo tài chính:

Căn cứ khoản 4 điều 11 Thông tư 155: Khi công bố thông tin các báo cáo tài chính (quý, bán niên soát xét, năm) tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ công bố thay đổi từ 10% trở lên so với báo cáo cùng kỳ năm trước;

b) Lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo bị lỗ; hoặc chuyển từ lãi ở kỳ trước sang lỗ ở kỳ này hoặc ngược lại;

c) Số liệu, kết quả hoạt động kinh doanh lũy kế từ đầu năm tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong báo cáo tài chính quý II đã công bố so với báo cáo tài chính bán niên được soát xét; hoặc tại báo cáo tài chính quý IV đã công bố so với báo cáo tài chính năm được kiểm toán có sự chênh lệch từ 5% trở lên; hoặc chuyển từ lỗ sang lãi hoặc ngược lại;

d) Số liệu, kết quả hoạt động kinh doanh tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán hoặc soát xét từ 5% trở lên.

Ngoài ra, căn cứ khoản 2 điều 7 Quy chế công bố thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và điểm a khoản 1 điều 11 Quy chế công bố thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì công ty đại chúng quy mô lớn, tổ chức niêm yết giải trình số liệu, kết quả hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 4 Điều 11 Thông tư 155/2015/TT-BTC căn cứ chỉ tiêu Doanh thu thuần và Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục