Phát biểu của các quan chức Fed
Với việc các nhà đầu tư lo lắng rằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, sự xuất hiện của một số quan chức ngân hàng trung ương trong những ngày tới sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Giám sát Fed Michael Barr sẽ điều trần trước Quốc hội về những căng thẳng gần đây của ngành ngân hàng và phản ứng của ngân hàng trung ương. Vào thứ Sáu (19/5), Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tham gia một cuộc thảo luận nhóm về chính sách tiền tệ ở Washington.
Các quan chức Fed khác dự kiến xuất hiện trong tuần bao gồm Chủ tịch Fed New York John Williams, Thống đốc Fed Cleveland Loretta Mester, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari và các thống đốc Philip Jefferson và Michelle Bowman.
Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu tháng 4 về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vào thứ Ba (16/5), với doanh số bán lẻ dự kiến sẽ tăng trở lại. Báo cáo hàng tuần về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ được công bố vào thứ Năm (18/5).
Lo ngại về trần nợ
Những lo lắng về khả năng vỡ nợ của Mỹ sớm nhất là vào ngày 1/6 đang đè nặng lên các nhà đầu tư, trong bối cảnh Quốc hội bế tắc về việc tăng giới hạn vay.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã cảnh báo rằng Mỹ phải đối mặt với "rủi ro đáng kể" về việc vỡ nợ trong vòng hai tuần đầu tiên của tháng 6 nếu các nhà lập pháp không tăng số nợ mà quốc gia được phép tiếp nhận hợp pháp.
Các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp hàng đầu về việc nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD sẽ được nối lại vào đầu tuần này, sau khi cuộc họp dự kiến vào ngày 12/5 đã bị hoãn lại để cho phép các quan chức tiếp tục đàm phán.
Đảng Cộng hòa đang khăng khăng cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ để đổi lấy việc tăng trần nợ, trong khi Đảng Dân chủ khẳng định trần nợ không phải là phương tiện thích hợp để thực hiện thay đổi ngân sách.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ của Mỹ sẽ có “hậu quả rất nghiêm trọng” đối với nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả khả năng lãi suất cao hơn.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc tuần qua với mức giảm chung, trong đó chỉ số Dow Jones giảm 1,1%, S&P 500 giảm 0,3% và Nasdaq tăng 0,4% do sự kết hợp của những lo ngại về bế tắc trần nợ và chính sách tiền tệ.
Dữ liệu vào thứ Sáu (12/5) cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm mạnh hơn dự kiến làm tăng thêm lo ngại rằng việc mặc cả chính trị về việc tăng trần nợ có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, bình luận của các quan chức Fed vào thứ Sáu (12/5) đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về việc liệu ngân hàng trung ương có tạm dừng tăng lãi suất vào tháng tới như đã được dự đoán rộng rãi hay không.
Đầu tháng này, Fed cho biết có thể tạm dừng tăng lãi suất khi đánh giá tác động của việc thắt chặt trong quá khứ, cũng như tác động của căng thẳng gần đây của khu vực ngân hàng đối với hoạt động cho vay và tín dụng.
Dữ liệu kinh tế khu vực EU và Anh
Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố dữ liệu sửa đổi về dữ liệu GDP quý đầu tiên vào thứ Ba (16/5), với các nhà kinh tế dự kiến nền kinh tế của khối sẽ chỉ tăng 0,1% trong quý đầu năm. Một số nhà kinh tế cho rằng tình trạng trì trệ vẫn tiếp diễn và có thể dẫn đến một cuộc suy thoái vào cuối năm nay.
Các cuộc khảo sát hướng tới tương lai hơn của Viện ZEW về điều kiện kinh doanh và tâm lý trong nền kinh tế lớn nhất khu vực Đức sẽ được công bố vào thứ Ba (16/5).
Trong khi đó, tại Anh, dữ liệu tiền lương của báo cáo việc làm hôm thứ Ba (16/5) sẽ được theo dõi chặt chẽ do lạm phát vẫn ở mức hai con số. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã chỉ ra rằng quyết định có tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 6 hay không sẽ phụ thuộc vào dữ liệu về tiền lương và lạm phát trước đó.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế vào thứ Ba (16/54), bao gồm các báo cáo về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định. Các nhà kinh tế đang kỳ vọng doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp sẽ tăng tốc với tốc độ nhanh chóng, trong khi đầu tư tài sản cố định cũng được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể.
Nhưng dữ liệu so sánh hàng tháng có thể đưa ra so sánh chính xác hơn vì nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt do Covid trong cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vào tuần trước cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn để đạt được động lực trong bối cảnh phục hồi không đồng đều sau khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ, làm tăng thêm nghi ngờ về mức độ đóng góp của nền kinh tế này vào tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.