Các sở GDCK thế giới vào cuộc, thúc doanh nghiệp phát triển bền vững

(ĐTCK) Một trong những thách thức lớn trong việc đầu tư qua các sàn giao dịch đó là nhà đầu tư phải chấp nhận việc các cổ phiếu trong danh mục sẽ bao gồm cả các công ty không có sự theo dõi chính xác về hoạt động sản xuất – kinh doanh, không chỉ về tài chính, mà còn cả các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Tới cuối năm 2015, có ít hơn 1/3 số sàn giao dịch chứng khoán có cung cấp hướng dẫn công bố thông tin ESG dành cho các công ty niêm yết

Đối với những nhà đầu tư dài hạn, ESG là một trong những vấn đề cần tập trung bởi yếu tố này có khả năng ảnh hưởng tới triển vọng tồn tại, tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.

Các mối nguy cơ từ ESG đứng thứ 7 trong số 10 mối lo ngại toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên năm 2016. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, đưa ra quyết định đầu tư và giám sát thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, bởi họ không được cung cấp các số liệu hoàn chỉnh, thường xuyên, có thể so sánh được để đo lường mức độ thực hiện, quản lý các vấn đề ESG của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, nếu BlackRock, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, muốn so sánh sức khỏe tài chính của một công ty viễn thông tại Singapore với một công ty tại Mỹ hoặc Tây Ban Nha, họ có thể dựa vào một hệ thống các chuẩn mực đánh giá quốc tế được biết tới rộng rãi. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư muốn so sánh mức độ phục thuộc vào carbon, mức độ thu nhập của người lao động hay mức độ độc lập của hội đồng quản trị với công ty, điều này hầu như bất khả thi khi thiếu đi các thông tin được công bố, hoặc yêu cầu quá nhiều thời gian, công sức để tự thu thập dữ liệu, xây dựng hệ thống quy chiếu…, trong khi kết quả thu được không chắc đã chính xác. 

Thị trường cần giải pháp để nắm bắt thực tiễn ESG

Vấn đề này không mới. BlackRock và các tổ chức, điển hình là Ceres - chuyên bảo vệ lợi ích của cổ động và nhà đầu tư đối với vấn đề phát triển bền vững tại các công ty, đã mất nhiều năm để cổ vũ việc doanh nghiệp công bố báo cáo quản trị, báo cáo phát triển bền vững tốt hơn. Giới đầu tư từng thể hiện sự ủng hộ việc cung cấp số liệu ESG minh bạch bằng cách tiến hành đầu tư đồng loạt vào doanh nghiệp có thực tiễn phát triển bền vững tốt.

Rất nhiều công ty lớn đã tham gia vào xu hướng này và số lượng các công ty tham gia vào các sáng kiến báo cáo toàn cầu như CDP, trước đây là Dự án công bố số liệu cacrbon, một tổ chức có trụ sở tại London chuyên thu thập số liệu về các tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh tới môi trường phục vụ nhà đầu tư ; và Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), tổ chức có trụ sở tại Amsterdam chuyên hỗ trợ doanh nghiệp về các yếu tố phát triển bền vững, ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, mức độ công bố thông tin về ESG vẫn chưa đủ rộng, cũng như chưa đủ thường xuyên để đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.

BackRock, trong vai trò là nhà đầu tư và được ủy thác đầu tư, đang sử dụng các số liệu ESG hiện có để tiến hành đo đạc, phân tích và đánh giá một công ty trước khi đưa ra quyết định đầu tư, hoặc thay mặt khách hàng của mình để đầu tư. Đối với những công ty được giới đầu tư nhắm tới thông qua số liệu, những con số này là đầu vào rất quan trọng trong việc gắn kết và chịu trách nhiệm với khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, các số liệu này hiện tại chỉ là chắp vá, không thực sự rõ ràng.

Để giải quyết vấn đề này, nhà đầu tư cần sự tham gia nhiều hơn của các thành viên thị trường, đặc biệt là giới quản lý, cũng như các sở giao dịch chứng khoán, trong yêu cầu cung cấp thông tin ESG với công ty niêm yết.

Thực tế, 24 tổ chức đầu tư, dẫn đầu bởi Aviva Investors đã viết thư gửi tới 30 sàn chứng khoán lớn nhất thế giới yêu cầu các sàn này điểm danh các công ty không hoặc chưa cung cấp các số liệu phát triển bền vững. Aviva Investors và các tổ chức đầu tư khác cũng đưa ra đề nghị các công ty niêm yết phải được yêu cầu cân nhắc mức độ trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững theo loại hình kinh doanh của mình và công bố chiến lược phát triển bền vững dài hạn.

Paul Abberley, CEO Aviva Investors London cho biết: “Thị trường được vận hành bởi thông tin. Việc thiếu thông tin là kết quả của việc hạn chế hoặc không công bố thông tin ESG của các công ty. Điều này tạo ra nhiều khó khăn cho những nhà đầu tư dài hạn như chúng tôi trong việc xác định các mối nguy cơ ESG và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp đó. Chúng tôi tin rằng các sàn giao dịch chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều hơn nữa các thị trường vốn bền vững trên toàn cầu, bởi họ có khả năng tác động trực tiếp và giám sát tổ chức, chiến lược của các công ty đang tìm vốn thông qua thị trường chứng khoán. Điều này sẽ chỉ mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhà đầu tư”. 

Câu trả lời từ các sở giao dịch chứng khoán

Các nhà đầu tư tổ chức/cá nhân, bao gồm cả BlackRock, đã làm việc với Ceres để phát triển kiến nghị về các yêu cầu công bố thông tin phát triển bền vững đối với công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cuối năm 2015, Ceres đã công bố tài liệu mang tên “Kiến nghị tiêu chuẩn niêm yết từ nhà đầu tư”. Đây là tiền đề để Liên hợp quốc công bố “hướng dẫn quy chuẩn báo cáo thông tin ESG tới nhà đầu tư”. Cả 2 báo cáo này đã đặt thêm nền móng cho việc thiết lập tiêu chuẩn công bố thông tin ESG.

Trước những đòi hỏi thiết thực này, các sở giao dịch chứng khoán trên toàn cầu đã có câu trả lời thích đáng. Thực tế, tới cuối năm 2015, có ít hơn 1/3 số sàn giao dịch chứng khoán có cung cấp hướng dẫn công bố thông tin ESG dành cho các công ty niêm yết. Do vậy, Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững Liên Hợp quốc (SSE), cùng với nhiều tổ chức tư vấn khác, dẫn đầu là Sở Giao dịch chứng khoán London, đã tạo nên một nguồn tham khảo và tiêu chuẩn mới cho các sàn giao dịch.

Theo đó, SSE đã giới thiệu tài liệu “Hướng dẫn quy chuẩn báo cáo thông tin ESG tới nhà đầu tư: Công cụ tự nguyện dành cho sở giao dịch chứng khoán hướng dẫn các thành viên”.

Mục tiêu của quy chuẩn hướng dẫn này là giúp các sàn giao dịch chứng khoán chỉ rõ khoảng trống thông tin hiện tại và lấp đầy bằng cách cung cấp các biểu mẫu, template, mà các sàn giao dịch thành viên có thể sử dụng để tự tạo nên hướng dẫn, quy định công bố thông tin dựa theo tình hình thực tế tại khu vực.

Trong quá trình này, nhà đầu tư đã nhìn thấy những tiến triển. Các sàn giao dịch chứng khoán Nam Phi, Australia đã yêu cầu công ty niêm yết phải công bố báo cáo phát triển bền vững, các sàn giao dịch tại Hong Kong, Singapore và Malaysia hiện đang trong quá trình xây dựng quy định về vấn đề này.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần sự tham gia của nhiều sở giao dịch chứng khoán hơn nữa nhằm thống nhất được các quy chuẩn. Nếu như vậy, giới đầu tư sẽ không cần phải chắp vá thông tin từ hơn 100 kiểu mẫu báo cáo ESG như hiện nay.

Công ty, nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán chung quan điểm

Công ty, nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán đều nhận thấy lợi ích của việc có chiến lược tiếp cận và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn công bố thông tin về các yếu tố ESG.

Tuy nhiên, một số thành viên thị trường lo ngại rằng, các công ty sẽ né niêm yết tại các sàn nếu cơ quan này bổ sung thêm quy định về báo cáo thông tin ESG. Bên cạnh đó, lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng quá nhiều quy chuẩn về công bố thông tin ESG và họ mong muốn nhà quản lý sẽ đưa ra quy định, đồng thời công bố hướng dẫn để thiết lập báo cáo, giảm thiếu các hoạt động không cần thiết cho công ty.

Các cổ đông của BlackRock còn lo ngại việc có quá nhiều tiêu chuẩn công bố thông tin ESG khác nhau sẽ dẫn tới những rắc rối, mâu thuẫn trong việc thu thập thông tin. Yêu cầu của nhà đầu tư là được công bố các thông tin minh bạch, thường xuyên, đầy đủ về ESG, tuy nhiên, các công ty chỉ thực hiện điều này khi có sự cổ vũ và có đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu.

Mặc dù vậy, tín hiệu đáng mừng là đa phần các sở giao dịch chứng khoán đều ủng hộ sáng kiến về quy định công bố thông tin ESG. Theo khảo sát về “Sàn giao dịch phát triển bền vững: báo cáo quá trình thực hiện năm 2014”, có 76% các sở giao dịch đồng ý rằng họ có trách nhiệm trong việc cổ vũ các công ty cung cấp thông tin tốt hơn về thực tiễn ESG tại công ty, trong khi ¾ đồng ý rằng việc để các công ty tự nguyện công bố thông tin sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Điều này cho thấy lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán và giới chức quản lý đều đồng tình với sáng kiến này, do đó, giới đầu tư có thể trông đợi vào những thay đổi rõ rệt trong thời gian tới.             

Liên quan đến Việt Nam, tháng 5/2015, Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội chính thức trở thành đối tác của Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Theo đó, 2 Sở GDCK tại Việt Nam đã và sẽ tham gia vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thông qua đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà quản lý; nỗ lực thúc đẩy đầu tư bền vững dài hạn và cải thiện minh bạch thông tin về môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM cho biết, HOSE sẽ dành nhiều nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các DN niêm yết. Trong thời gian tới, Sở sẽ tương tác với các DN niêm yết làm rõ vì sao điểm của các DN Việt Nam trong chương trình chấm Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN quá thấp, từ đó có những giải pháp thiết thực, giúp các DN cải thiện tình trạng này.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Đặc san Báo cáo thường niên 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục