Báo cáo của Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston công bố hôm Chủ nhật (4/2) cảnh báo rằng, 62 nền kinh tế đang phát triển, bao gồm hầu hết châu Phi và châu Đại Dương đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện hoặc cần được tái cơ cấu ngay lập tức.
Lãi suất thế giới tăng vọt vào năm ngoái kết hợp với sự phục hồi kinh tế chậm chạp sau đại dịch và chi phí của biến đổi khí hậu có nghĩa là một số quốc gia hiện đang chi ít nhất 20% nguồn thu chính phủ để trả nợ.
Đây là yếu tố được xem là không bền vững.
“Thế giới đang phải đối mặt với thời điểm bây giờ hoặc không bao giờ… Cần hành động ngay lập tức để giảm bớt nợ toàn cầu và khủng hoảng môi trường có liên quan thực chất", báo cáo cho biết.
Lời kêu gọi được đưa ra ngay trước cuộc họp đầu tiên vào năm 2024 diễn ra trong tuần tới của "Hội nghị bàn tròn về nợ có chủ quyền toàn cầu", một nhóm do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Chủ tịch G20 Brazil đồng chủ trì và có nhiệm vụ xây dựng những cách tốt hơn để giải quyết vấn đề nợ nần.
Giáo sư phát triển toàn cầu Kevin Gallagher của Đại học Boston cho biết, cần có nhiều "tham vọng" hơn với chương trình giải quyết Khuôn khổ chung do G20 dẫn đầu, chương trình này phần lớn được xem là thất bại kể từ khi được thành lập cách đây vài năm.
Cùng với việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ, các quốc gia cũng nên có lựa chọn tạm dừng thanh toán nợ trước khi rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Trái phiếu Brady phiên bản Trung Quốc
Tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là chủ nợ của các nước đang phát triển có nghĩa là nước này nên cân nhắc việc khởi động một phiên bản hiện đại của trái phiếu Brady được Bộ Tài chính Mỹ hậu thuẫn vào cuối những năm 1980 để giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Mỹ Latinh.
“Trung Quốc dường như là đối tượng phù hợp nhất với cách tiếp cận trái phiếu Brady”, Giáo sư Kevin Gallagher cho biết. Trái phiếu Brady là trái phiếu được phát hành bởi chính phủ của những nước đang phát triển, giống như các ngân hàng phương Tây ở Mỹ Latinh vào những năm 1980, các ngân hàng do chính phủ Trung Quốc kiểm soát hiện nay thường cung cấp các khoản vay cho các quốc gia gặp khó khăn.
Ngoài ra, báo cáo cũng xem xét những rủi ro đến từ biến đổi khí hậu.
Khoảng 91 quốc gia nằm trên mức trung bình toàn cầu ở ít nhất 1 trong 4 hạng mục: tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nhu cầu giảm khí thải để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và cơ hội bảo tồn đất đai quý hiếm hoặc hệ sinh thái ven biển.
Các quốc gia bao gồm Chad, Niger và Guinea-Bissau đều rất dễ bị tổn thương trước hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong khi Cabo Verde, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea đều có những cơ hội bảo tồn tài nguyên to lớn.
Trong khi đó, viễn cảnh về việc cựu tổng thống Donald Trump quay trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 là một lý do khác khiến việc giảm nợ hiện nay trở nên cấp bách đến vậy.
“Ông Trump đã cho thấy (trong nhiệm kỳ đầu tiên) rằng ông ấy có thể rút khỏi một hiệp ước quốc tế, nhưng sẽ khó để dỡ bỏ một điều gì đó nếu nó ở cấp độ G20…Đó là lý do tại sao đây là năm để chốt việc này lại”, Giáo sư Kevin Gallagher cho biết.