Các nước Đông Nam Á triển khai nhanh việc tiêm đại trà vắcxin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Indonesia đã chính thức triển khai giai đoạn một chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 ở các nhân viên y tế và công chức với 3 triệu liều vắcxin CoronaVac do hãng Sinovac cung cấp.
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN). Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN).

Ngày 7/2, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) Penny K. Lukito cho biết cơ quan này đã bắt đầu tiến hành xem xét cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho ba loại vắcxin ngừa COVID-19.

Tại Jakarta, phát biểu họp báo trực tuyến, ông Penny cho hay ba loại vắcxin đang được xem xét gồm AstraZeneca, Sinopharm và Novavax. Quá trình xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp sẽ mất tối đa 20 ngày làm việc sau khi BPOM nhận được tất cả dữ liệu cần thiết từ các công ty dược phẩm đại diện cho các nhà sản xuất vắcxin.

Theo ông Penny, hiện BPOM vẫn đang chờ các công ty này trình đầy đủ dữ liệu. Tuy nhiên, dữ liệu có thể được cung cấp theo từng giai đoạn, trong khi quá trình xem xét vẫn tiếp tục.

Cho tới nay, vắcxin CoronaVac của Sinovac là loại duy nhất nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ BPOM.

Hôm 14/1, Indonesia đã chính thức triển khai giai đoạn một của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 ở các nhân viên y tế và công chức với 3 triệu liều vắcxin CoronaVac do hãng Sinovac cung cấp.

Số liệu cập nhật của Chính phủ Indonesia cho thấy đã có gần 800.000 người đã được tiêm mũi đầu tiên. Giới chức nước này cho biết 25 triệu liều vắcxin khác dự kiến sẽ được sản xuất vào cuối tháng Ba tới với các nguyên liệu do Sinovac cung cấp.

Trước đó, Chính phủ Indonesia cũng đã xác định 7 loại vắcxin ngừa COVID-19 được phép sử dụng trong nước, bao gồm Sinopharm, AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Novavax, Sinovac, và vắcxin "Đỏ và Trắng (màu quốc kỳ Indonesia)" do hãng dược quốc doanh Bio Farma của nước này tự phát triển.

Tại Campuchia, trang thông tin Fresh News của nước này đưa tin 600.000 liều vắcxin COVID-19 do Trung Quốc viện trợ đã được chuyển Campuchia lúc 16 giờ ngày 7/2.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cung cấp 1 triệu liều vắcxin COVID-19 cho Campuchia. Trong giai đoạn đầu, 300.000 liều sẽ được bàn giao cho Bộ Y tế và 300.000 liều còn lại bàn giao cho Bộ Quốc phòng.

Trước đó, ngày 31/12/2020, Cơ quan sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc thông báo phê duyệt có điều kiện đối với việc sử dụng đại trà vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Sinopharm thuộc Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) phát triển.

Một số quốc gia Đông Nam Á đang từng bước triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Singapore bắt đầu chương trình tiêm phòng vào cuối tháng 12/2020 và dự kiến có đủ vắcxin cho toàn bộ người dân trước tháng 9/2021.

Trong khi đó, Indonesia vào tháng rồi đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 trong tổng số 270 triệu người trong vòng 15 tháng.

Mặc dù đạt thỏa thuận nhập 2 triệu liều vắcxin của hãng Sinovac (Trung Quốc) trước tháng 4/2021 cho nhân viên y tế, Thái Lan hiện phải trông chờ vào phiên bản vắcxin AstraZeneca-Oxford (Anh) được sản xuất trong nước để triển khai chương trình tiêm chủng diện rộng.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục