Các nhà tư vấn "bộn việc" với kế hoạch cổ phần hóa

(ĐTCK) 34 doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm nay, gần 700 doanh nghiệp khác nằm trong diện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từ nay đến năm 2020. Khối lượng công việc của các nhà tư vấn trở nên phong phú nhất từ trước tới nay.
Theo dự thảo quy định định mới, phí tư vấn cổ phần hóa sẽ không còn bị khống chế mức trần như hiện nay Theo dự thảo quy định định mới, phí tư vấn cổ phần hóa sẽ không còn bị khống chế mức trần như hiện nay

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte cho rằng, nhà tư vấn có vai trò rất quan trọng trong các thương vụ M&A nói chung và cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nói riêng. Đặc biệt, vai trò của nhà tư vấn đang chuyển sang hướng tìm nguồn cầu mạnh mẽ cho cung vốn.

Việc các tên tuổi tư vấn lớn trên thế giới như Morgan Stanley, Credit Suisse, gần đây là các hãng của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có mặt tại Việt Nam cho thấy, họ đánh giá cao tiềm năng của thị trường.

Bà Hoàng Hải Anh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí chia sẻ quan điểm, tiềm năng cho nghiệp vụ tư vấn, hay nói rộng hơn là dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) rất lớn.

Trong thời gian tới, với chương trình tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, nhu cầu cho các hoạt động IB chắc chắn tăng cao.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội trên, các nhà tư vấn Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản. Trước hết là trình độ của đội ngũ hành nghề còn ở giai đoạn sơ khai, trong khi nghề IB yêu cầu rất cao về nhân sự, cả về mặt kinh nghiệm lẫn khả năng kết nối mạng lưới.

Thêm vào đó, thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính của các doanh nghiệp trong nước chưa cao, dẫn đến thực tế tại Việt Nam chưa hình thành một mô hình IB độc lập, với đầy đủ chức năng.

Bà Hải Anh kể, bà từng chứng kiến một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cuộc đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có giá trị thương vụ gần tỷ USD. Phía đối tác nước ngoài có đầy đủ các nhà tư vấn M&A, tư vấn luật, tư vấn kiểm toán. Trong khi đó, phía Việt Nam không sử dụng tư vấn; nội dung liên quan đến phòng, ban nào trong doanh nghiệp thì đại diện phòng, ban đó chịu trách nhiệm trả lời.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thực tế, sản phẩm tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn của nhiều công ty chứng khoán đơn thuần chỉ dừng lại ở khâu thực hiện thủ tục, hồ sơ, mà chưa tham gia sâu vào doanh nghiệp; đa phần các doanh nghiệp phải tự xoay xở, nghiên cứu về thị trường, tự đưa ra phương án thực hiện và công ty chứng khoán chỉ tham gia ở bước cuối cùng trong giai đoạn tổ chức thực hiện.

Nay, tiềm năng thị trường rộng mở và theo dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, phí tư vấn sẽ không còn bị khống chế mức trần như hiện nay, các công ty chứng khoán có thể làm gì để tận dụng cơ hội này?

Thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính của các doanh nghiệp trong nước chưa cao, dẫn đến thực tế tại Việt Nam chưa hình thành một mô hình IB độc lập, với đầy đủ chức năng.

Để có những thương vụ thành công, theo lãnh đạo Công ty Chứng khoán SHS, các bên cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Với riêng SHS, từ trước khi đặt bút ký hợp đồng với khách hàng, đã có nhiều đầu việc phải triển khai như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, chuẩn bị đội ngũ nhân sự, mạng lưới khách hàng, đối tác cho đến việc lập phương án, kế hoạch thực hiện.

Đối với các hoạt động tư vấn cổ phần hóa hoặc thoái vốn, công ty chứng khoán nên tiếp cận và tham gia tư vấn cho doanh nghiệp ngay từ những bước xây dựng phương án cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó tập trung vào việc đưa ra được phương án tối ưu về cơ cấu vốn, giá bán, tỷ lệ bán, đối tác bán…, nhằm đảm bảo sự thành công trong quá trình tổ chức thực hiện, qua đó tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng.

Sự chuyển động của thị trường cũng như nhu cầu doanh nghiệp về các dịch vụ tư vấn chất lượng cao, dịch vụ trọn gói cũng đem lại cơ hội cho đơn vị tư vấn.

Một số công ty chứng khoán đã và đang cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện, đa dạng, mới mẻ và linh hoạt cho khách hàng. Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn sẽ tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên, từ việc phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tư vấn xây dựng hệ thống bộ máy tổ chức và quản trị phù hợp, chuẩn hóa điều kiện và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, đến việc tư vấn cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan về vị thế trong ngành, từ đó giúp cho doanh nghiệp có định hướng phát triển phù hợp trong tương lai.

Vấn đề này đặc biệt cần thiết vì Chính phủ đã chủ trương gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tới đây, các doanh nghiệp vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Cổ phần hóa với các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ là bước đầu, cánh cửa đại chúng mở ra rất nhiều cơ hội sau đó. Chẳng hạn, cơ hội huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, các thương vụ M&A, tìm kiếm đối tác chiến lược.

Không chỉ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu tài chính, phát triển sản xuất - kinh doanh, đầu tư dự án mới..., mối quan hệ “win-win” giữa doanh nghiệp và các nhà tư vấn có thể giúp hai bên tận dụng kinh nghiệm, mạng lưới đối tác rộng lớn của nhau để mở mang thêm các không gian mới, gia tăng cơ hội thành công.

Nhật Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục