Theo Walter Kuijpers, đối tác của hãng dịch vụ tư vấn KPMG, số lượng câu hỏi và sự quan tâm của khách hàng về khả năng sản xuất chip tại Đông Nam Á đã tăng lên 30 - 40% so với trước đại dịch. Các doanh nghiệp đang cân nhắc và tìm kiếm cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng sang khu vực này, nhất là khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc gặp nhiều trở ngại.
Trong tháng 10, chính phủ Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp phải có giấy phép mới để tiến hành xuất khẩu chất bán dẫn hoặc xuất khẩu các thiết bị liên quan tới ngành sản xuất chip tới Trung Quốc. Theo đó, doanh nghiệp cần được Chính phủ Mỹ cấp phép nếu các thiết bị này được dùng để sản xuất sản phẩm chip tại Trung Quốc.
TSMC - công ty sản xuất chip Đài Loan và Samsung và SK Hynix - các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đều nộp hồ sơ đợi cấp phép có thời hạn 1 năm để tiếp tục gửi các thiết bị sản xuất chip từ Mỹ tới nhà máy tại Trung Quốc.
Trong khi đó, ASML - công ty Hà Lan sản xuất thiết bị ngành công nghiệp chất bán dẫn cho biết, nhân viên của Công ty tại Mỹ bị cấm cung cấp dịch vụ và sản phẩm liên quan tới chất bán dẫn cho khách hàng Trung Quốc.
Lệnh cấm của Mỹ trở thành “giọt nước” tràn ly, khuấy động ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu với quy mô 600 tỷ USD. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất chip tại Trung Quốc đã đối mặt với những khó khăn bao gồm chi phí lao động gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng bởi chính sách zero Covid tại Đại lục và các xung đột địa chính trị khác. Hiện tại, các lệnh cấm từ Mỹ, và mới đây nhất là Nhật Bản khiến các doanh nghiệp càng thêm đau đầu để tìm kiếm nguồn thiết bị/sản phẩm thay thế.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sản xuất chip cần tìm khu vực lân cận để nhanh chóng thiết lập hoạt động sản xuất, Jan Nicholas, giám đốc tư vấn ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Deloitte chia sẻ. Theo đó, Đông Nam Á trở thành sự lựa chọn tự nhiên hợp lý để thiết lập các công xưởng bên ngoài Trung quốc.
Việt Nam và Ấn Độ
Việt Nam đang nổi lên là cơ sở sản xuất thay thế Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu. Quốc gia này đã đầu tư hàng tỷ USD để thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm thu hút các nhà sản xuất chip lớn.
Samsung, nhà sản xuất chip/thẻ nhớ lớn nhất thế giới vừa cam kết đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2022, đồng thời đặt mục tiêu sản xuất các thành phần của con chip vào tháng 7/2023.
Trong khi đó, Ấn Độ đang tập trung đầu tư đào tạo đội ngũ nhân sự và nhân tài thiết kế bộ vi xử lý, hệ thống phụ trong thẻ nhớ và các thiết kế chip khác. Sức hấp dẫn lớn của quốc gia này là lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp.
Trung Quốc vẫn dẫn đầu
Mặc dù các quốc gia khác trong khu vực đang gia tăng sức hấp dẫn với các nhà sản xuất chip, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong khu vực tại lĩnh vực này.
Trong chính sách “Made in China 2025” công bố năm 2015, quốc gia này đã thiết lập hệ thống cơ sở cho việc sản xuất chip một cách hiệu quả. Ngành chip nội địa cũng tăng trưởng nhờ nhu cầu gia tăng đối với các ứng dụng công nghệ mới như 5G, xe tự lái, Trí thông minh nhân tạo.
Theo một số ước tính, Trung Quốc là nhà sản xuất chip lớn thứ ba thế giới, chiếm 16% thị phần toàn cầu, xếp trên nước Mỹ và chỉ đứng sau Hàn Quốc và Đài Loan.
“Trung Quốc đã dành thời gian dài để phát triển cơ sở vật chất, kỹ năng, nguồn lực… Các quốc gia khác muốn nổi dậy cũng sẽ phải dành từng đó thời gian, bởi đây là những yếu tố không thể xuất hiện ngay lập tức”, Jan Nicholas cho biết.