Các nhà băng đẩy mạnh chiến lược bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng kiên định với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, mở rộng tín dụng cá nhân trên nền tảng số hóa để gia tăng nguồn thu và phân tán rủi ro nợ xấu.
Một trong những thế mạnh của Techcombank là cho vay bất động sản Một trong những thế mạnh của Techcombank là cho vay bất động sản

Mục tiêu nâng tỷ trọng bán lẻ

Tổng giám đốc MB Phạm Như Ánh cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu nâng tỷ trọng bán lẻ lên trên 50% trong năm 2024. MB theo đuổi chiến lược chuyển dịch sang mảng bán lẻ để tận dụng lợi thế về tệp khách hàng lớn trong hệ sinh thái của Ngân hàng.

“Các năm vừa qua, MB đều tập trung vào chuyển dịch sang bán lẻ. Năm nay tiếp tục chiến lược 2022 - 2026 là chuyển dịch MB thành ngân hàng bán lẻ với quy mô tổng dư nợ trong năm 2024 là trên 50% dư nợ bán lẻ”, ông Phạm Như Ánh nói và đánh giá, mảng bán lẻ tương đối an toàn và phù hợp với chiến lược phát triển của MB. Ngân hàng đã đạt mục tiêu 30 triệu khách hàng trong năm 2023, mục tiêu trong những năm tới là có 40 triệu khách hàng, chiếm 60 - 70% thị phần người dân Việt Nam đủ điều kiện để mở tài khoản.

Tại ACB, ngân hàng này đang cho vay với lãi suất từ 4,6%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và từ 6%/năm đối với khách hàng cá nhân. Mặt bằng lãi suất thấp đã kích thích nhu cầu vốn tăng trở lại. Tăng trưởng tín dụng của ACB trong quý I/2024 đạt 3,7% (tương đương 18.000 tỷ đồng), cao hơn so với mức tăng trưởng của ngành. Trong đó, dư nợ cá nhân tăng 3,8% và dư nợ doanh nghiệp tăng 3,5%.

ACB tự tin sẽ hoàn tất hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho năm nay là 14%. Nhiều năm qua, ACB dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ, đạt gần 94%, còn mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung mảng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh khối khách hàng doanh nghiệp lớn.

Ông Alex Macaire, Giám đốc Tài chính Techcombank cho hay, năm 2023 có nhiều thách thức, nhưng Ngân hàng có sự xoay chuyển mạnh mẽ dựa trên khả năng dự đoán kịp thời diễn biến thị trường. Trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng của Techcombank chủ yếu đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp, sau đó dần chuyển sang phân khúc bán lẻ, phù hợp với sự phục hồi của thị trường bất động sản bán lẻ.

Bán lẻ là một trong những trụ cột chiến lược phát triển dài hạn và quan trọng của hầu hết ngân hàng

Bán lẻ là một trong những trụ cột chiến lược phát triển dài hạn và quan trọng của hầu hết ngân hàng

Theo ông Alex Macaire, chiến lược dài hạn của Techcombank là chuyển dịch sang cho vay khách hàng bán lẻ, từ đó giúp đa dạng hóa cơ cấu tín dụng, củng cố nền tảng quản trị rủi ro, cải thiện nền tảng vốn.

Trong lĩnh vực bất động sản, Techcombank cung cấp khoản vay cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở. Khi dự án triển khai, dòng tín dụng sẽ chảy đến các nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, cuối cùng đến những người mua nhà tại dự án. Như vậy, dòng tiền luôn được lưu thông trong hệ thống tài khoản Techcombank, phân tán rủi ro trên một tệp khách hàng đa dạng trong cả chuỗi giá trị.

Với Vietcombank, 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn của ngân hàng này là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và ngân hàng đầu tư.

“Lâu dài, bán lẻ vẫn là chiến lược quan trọng của Vietcombank”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.

Đặc biệt, HDBank kiên định với chiến lược bán lẻ đa năng, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tài chính tiêu dùng nên đây là một trong những động lực chính giúp Ngân hàng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng lợi nhuận kép bình quân 49,1%/năm.

Gia tăng nguồn thu ngoài lãi

Điều làm nên sự khác biệt ở các sản phẩm bán lẻ giữa các ngân hàng là trải nghiệm người dùng.

Trọng tâm của ngân hàng bán lẻ là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng, phát triển theo cách thu hút người dùng thông qua những trải nghiệm độc đáo mà ngân hàng đem lại. Sản phẩm về bán lẻ của các ngân hàng cơ bản đều giống nhau gồm tiền gửi, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, bảo hiểm…, điều làm nên sự khác biệt là trải nghiệm người dùng. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, việc xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số là xu hướng tất yếu để thu hút khách hàng, tạo ra sự khác biệt giữa các nhà băng.

Quý I/2024, nguồn thu nhập ngoài lãi của OCB đạt 386 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều năm qua, OCB luôn chú trọng đến mảng bán lẻ và coi đây là hoạt động cốt lõi. Theo đó, ngân hàng này triển khai một loạt sản phẩm với mục tiêu cá nhân hóa tới từng đối tượng khách hàng.

Trong năm 2023, thu thuần ngoài lãi của OCB tăng 40,9% so với năm 2022, đạt 2.234 tỷ đồng. Thu thuần dịch vụ đạt 882 tỷ đồng, nổi bật là mảng ngân hàng số OCB OMNI và dịch vụ thẻ. Cụ thể, tổng số lượng người dùng OCB OMNI tăng 28%; số lượng giao dịch tăng 60,9%; tổng số lượng tiền gửi huy động tăng 23%.

Đáng chú ý, với sản phẩm cho vay mua nhà, OCB ra mắt nền tảng Unlock Dream Home, tập hợp danh mục hàng nghìn bất động sản uy tín, chất lượng từ nhiều sàn giao dịch, giúp khách hàng tìm kiếm thông tin về ngôi nhà nhanh chóng với mức giá phù hợp. Sản phẩm này còn có tính năng cho vay, hỗ trợ khách hàng tính toán, hoạch định kế hoạch tài chính phù hợp khi mua nhà. Công cụ tài chính tự động thông minh sẽ tính khoản trả lãi, dựa theo số tiền vay và nhu cầu thời hạn vay mong muốn (có thể lên tới 30 năm).

Với ACB, lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý I/2024 tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 745 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh thu được khoản lãi hơn 196 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Tương tự, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 204 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ.

Theo lãnh đạo ACB, các ngân hàng đang tập trung vào mảng bán lẻ nên ACB sẽ củng cố mảng này. Có những khách hàng 5 - 10 năm qua theo chu kỳ đã phát triển lên quy mô lớn. Khách hàng lớn có chuỗi cung ứng và hệ sinh thái, nên ACB sẽ tập trung khai thác các dịch vụ, sản phẩm mới cho nhóm khách hàng lớn.

Mảng hoạt động dịch vụ của MB ghi nhận lãi thuần trong quý I/2024 tăng 37%, đạt 945 tỷ đồng, nhờ thu từ dịch vụ thanh toán và ngân quỹ tăng trưởng 48%. Hoạt động ngoại hối cũng ghi nhận lãi thuần tăng cao (24,5%), đạt 462 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng 60,8%, mang về 217 tỷ đồng. Ngược lại, thu nhập hoạt động kinh doanh khác và góp vốn, mua cổ phần lần lượt giảm 22% và 52,4%, xuống 364 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Tính chung, tổng thu nhập hoạt động của MB trong quý đầu năm 2024 tăng 0,7%, đạt 12.017 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động giảm 1,5%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của MB đạt hơn 8.502 tỷ đồng, tăng 1,7%.

Tại Techcombank, tính đến cuối quý I/2024, tín dụng ngân hàng riêng lẻ tăng 6,4% so với đầu năm, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở hợp nhất, tín dụng doanh nghiệp (bao gồm dư nợ cho vay và trái phiếu dành cho khối ngân hàng doanh nghiệp và định chế tài chính) tăng 10,7% so với đầu năm. Dư nợ ngoài ngành bất động sản tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nỗ lực đa dạng hóa cho vay của Ngân hàng. Tín dụng cá nhân tăng 5,3% so với đầu năm.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý II/2024 cũng như cả năm nay tới từ kỳ vọng kinh tế diễn biến tích cực, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi. Trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán, từ đó làm tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, giúp các ngân hàng tối ưu hóa chi phí, gia tăng nguồn thu ngoài lãi.

Minh Tâm
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục