Các nhà băng bước vào cuộc đua nước rút chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà băng đang bước vào cuộc đua chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm, mang lại tiện ích tốt nhất cho người dùng, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trong tháng 5/2024, OCB ra mắt phiên bản Ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới Trong tháng 5/2024, OCB ra mắt phiên bản Ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới

Chi mạnh cho công nghệ…

Từ đầu năm 2024, ACB liên tục ra mắt các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Nhờ nâng cao trải nghiệm khách hàng theo hướng hiện đại và phù hợp xu thế mới, tính đến cuối quý I/2024, ngân hàng này đã phục vụ được 7,3 triệu khách hàng.

Ngoài ra, ACB còn triển khai tính năng đăng ký tài khoản ACBS trên ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE, giúp khách hàng có thể tham gia đầu tư hoặc giao dịch dễ dàng và liền mạch chỉ trên một ứng dụng duy nhất với độ bảo mật cao.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, mỗi năm, Ngân hàng đầu tư 1.000 tỷ đồng vào hoạt động phát triển công nghệ thông tin, nhưng tiền không phải là tất cả. Mô hình kinh doanh phải dẫn dắt chuyển đổi số, chứ không phải công nghệ thông tin. Vì vậy, vai trò của người CEO rất quan trọng. Từ mô hình kinh doanh, Ngân hàng có dữ liệu, sau đó đặt bài toán để công nghệ trả lời. ACB không muốn sao chép bất kỳ ngân hàng nào. Nếu công nghệ nào trên thị trường đã có thì mình phải làm tốt hơn ngân hàng bạn, khác biệt. ACB cũng nỗ lực xây dựng trải nghiệm hoàn chỉnh cho khách hàng, không chỉ dừng lại ở những sản phẩm có sẵn, mà bắt tay với các “ông lớn” như FPT, VNG… để tạo ra các sản phẩm công nghệ mới, do ngân hàng đặt hàng.

Ngoài AI chatbot, ngân hàng này cũng cho ra mắt “ACB lite”, chuỗi ngân hàng tự động hướng đến những tiện ích phù hợp với cuộc sống gọn nhẹ thời hiện đại. Theo đó, ACB lite không đơn thuần là ATM rút - nộp tiền, mà còn là nơi để khách hàng tự thao tác để mở tài khoản thanh toán, in thẻ ghi nợ nhanh và nhiều dịch vụ khác. Trong lộ trình phát triển ACB lite, các điểm giao dịch tự động này có thể đáp ứng đến 80% dịch vụ ngân hàng.

Tương tự, OCB cho biết, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2024, nhằm gia tăng nguồn thu từ các dịch vụ, đồng thời tiết giảm được chi phí vận hành. Trong tháng 5/2024, OCB đã ra mắt phiên bản Ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới, trên cơ sở hợp tác cùng Backbase - công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới. Phiên bản Ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới có năng lực xử lý giao dịch mạnh mẽ, hiện đại, đảm bảo tốc độ nhanh chóng, tự động đề xuất sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính được cá nhân hóa cho từng khách hàng. Cùng với đó, công nghệ bảo mật FIDO kết hợp với xác thực sinh trắc học tiên tiến cũng sẽ được ra mắt vào tháng 7/2024.

Theo OCB, phiên bản này loại bỏ hoàn toàn mã OTP gây bất tiện trong trải nghiệm, cũng như bảo vệ thông tin tài chính của người dùng một cách tối ưu, kỳ vọng sẽ giúp Ngân hàng mở rộng cơ sở khách hàng, từ đó đem lại hiệu quả cao về mặt kinh doanh.

Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Khối công nghệ và chuyển đổi số OCB cho biết, hiện nay, dịch vụ tài chính ngân hàng đã có mặt ở mọi nơi, đi chợ, vào quán cà phê đều có thể quét mã QR thanh toán. Điều đó trở thành thách thức với các ngân hàng, đó là phải làm sao để cung cấp dịch vụ cho khách hàng mọi nơi, mọi lúc.

Với HDBank, quá trình chuyển đổi số cũng liên tục được thúc đẩy bằng việc ứng dụng các công nghệ như eKYC, OCR, RPA, Voicebot, Marketing Automation, Machine Learning... để mang đến nhiều sản phẩm số hóa nổi bật, nâng cao trải nghiệm. App HDBank cung cấp dịch vụ ngân hàng số với hơn 100 tính năng và kết nối hơn 200 nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, HDBank cũng đẩy mạnh số hóa hoạt động quản trị nhân sự, giúp kết nối và phát triển nguồn lực con người như ra mắt giải pháp công nghệ "People World", App "People HDBank" phục vụ chấm công, khai báo y tế, quản trị thông tin cán bộ nhân viên đầy đủ và dễ dàng; ứng dụng các công cụ "Workplace", "Workplace Chat" để trao đổi công việc và kết nối thông tin nội bộ...

… Để mở rộng hệ sinh thái

Ảnh tác giả

Trong chuyển đổi số ngân hàng, tiền không phải là tất cả. Mô hình kinh doanh phải dẫn dắt chuyển đổi số, chứ không phải công nghệ thông tin. Vì vậy, vai trò của người CEO rất quan trọng.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB

Hòa cùng xu hướng chuyển đổi số trên thế giới, cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, các ngân hàng Việt Nam cũng đang bước vào cuộc đua nước rút về chuyển đổi số.

Là một trong số ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, những năm gần đây, Nam A Bank liên tiếp ghi dấu trên thị trường tài chính với những thành tựu công nghệ như ra mắt không gian số, ứng dụng Open Banking, thẻ tín dụng Happy Golf, ưu đãi đặc quyền dành riêng cho Golfer, hoàn thiện hệ sinh thái số với gần 100 điểm ONEBANK trên toàn quốc (tại đây, khách hàng có thể tự giao dịch tất các các dịch vụ mà không cần đến ngân hàng), 365+ banking. Nam A Bank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong tích hợp công nghệ đọc thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip qua công nghệ kết nối không dây trên ứng dụng Open Banking…

Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó tổng giám đốc Nam A Bank đánh giá, chuyển đổi số là kim chỉ nam phát triển bền vững cho ngành ngân hàng, giúp khách hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng một cách nhanh chóng và có những trải nghiệm khác biệt. Thừa hưởng những thành quả chuyển đổi số của thế giới đối với ngành tài chính, dịch vụ và sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chuyển đổi số ngành ngân hàng là những điều kiện rất thuận lợi để các ngân hàng thương mại tiếp tục công cuộc số hóa hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Còn theo ông Từ Tiến Phát, hai năm gần đây, ACB đã có lộ trình chuyển đổi số quyết liệt, đi vào thực chất và tính hiệu quả thực tế, trong đó có việc áp dụng mô hình Agile, để làm sao đưa ra ứng dụng càng nhanh càng tốt. Việc hợp tác với các “ông lớn” công nghệ giúp ACB tiếp tục tăng độ phủ của ngân hàng trong hệ sinh thái thanh toán, nhất quán với định hướng xây dựng trải nghiệm thanh toán…

Tương tự, tận dụng lợi thế của kỷ nguyên số với Big Data, AI, và Deep Learning, MB đã thành công trong quá trình chuyển đổi số, với tăng trưởng doanh thu bình quân 18 - 20%/năm và lợi nhuận có năm tăng đến 35% trong 5 năm qua. Chỉ trong năm 2023, MB thu hút hơn 6,3 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên trên 26 triệu. App MBBank đã đạt 20 triệu giao dịch/ngày, với tỷ lệ giao dịch thành công 99,96%. Tỷ lệ khách hàng giao dịch trên kênh số chiếm 97%, với tổng số lượng giao dịch vượt trên 2,3 tỷ đồng.

Trong 3 năm gần đây, MB đã đứng đầu trong việc triển khai dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác - Banking as a Service (BaaS), với hơn 1.000 APIs đa dạng, từ mở VietQR động, tài khoản, ứng dụng, vay online, gửi tiết kiệm đến thu/chi hộ... MB kết hợp mạch lạc dịch vụ của mình với hơn 500 doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi hàng đầu như WinCommerce, THMilk, Vietnam Airlines, Momo, Zalopay, VETC, EPASS, Thegioididong… mang đến trải nghiệm vận hành tối ưu cho doanh nghiệp và sự thuận tiện cho người tiêu dùng mua sắm.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho hay, mục tiêu của MB từ nay đến 2026 sẽ tập trung vào việc tăng tốc chuyển đổi số, không chỉ làm cho mình trở thành một ngân hàng số, mà còn hướng tới sự trở thành một doanh nghiệp số. Đây là điểm nổi bật của MB trên thị trường. MB nhấn mạnh vào việc đạt được 50 - 70% doanh thu từ kênh số trong tương lai. Sự phát triển của doanh nghiệp số sẽ tiếp tục tập trung vào hai nền tảng chính là ứng dụng App MBBank (cho cá nhân), BIZ MBBank (doanh nghiệp).

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng. Sau 3 năm triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Đáng chú, đến nay, có khoảng 77,4% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Quỳnh Chi
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục