Bám víu hy vọng
Trong những ngày cuối cùng trước Giáng sinh, các nhà bán lẻ tại Anh đã cố bám lấy hy vọng rằng doanh số bán hàng những ngày này sẽ tăng mạnh nhờ những người chưa kịp mua sắm cho kỳ nghỉ lễ.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới từ Begbies Traynor, theo dõi doanh số bán hàng của những nhà bán lẻ Anh từ ngày 1/10 tới ngày 17/12, có tới 24.737 nhà bán lẻ trên khắp vương quốc này cho biết, họ đang chịu những áp lực rõ ràng về tài chính, với việc doanh số bán hàng mùa lễ tết năm nay khá u ám.
Con số này đã tăng so với con số 24.251 nhà bán lẻ trong cùng thời gian năm ngoái, làm nổi bật thêm mối lo lắng về môi trường lạm phát thấp và cho thấy các nhà bán lẻ đã thất bại trong việc thu hút khách hàng, bất chấp đã thực hiện các kế hoạch giảm giá từ vài tháng nay.
“Trong năm 2015, việc bán hàng vẫn diễn ra chậm chạp khi phần lớn khách hàng chỉ mua những thứ đồ thiết yếu. Điều tệ nhất là thị trường thậm chí còn tăng trưởng chậm hơn năm ngoái” - Craig Johnson, Chủ tịch Customer Growth Partners
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, các nhà bán lẻ theo phương thức truyền thống bị thiệt hại nặng nhất, với việc các công ty gặp áp lực lớn về tài chính tăng 11% so với năm ngoái, đặc biệt là các trung tâm thương mại.
Julie Palmer, người đồng sở hữu và chuyên gia bán lẻ tại Begbies Traynor cho biết: “Trong năm nay, các nhà bán lẻ thực hiện các chương trình khuyến mãi, chiết khấu nhiều hơn bao giờ hết đối với dịp Giáng sinh hay “Black Friday - Ngày thứ sáu đen tối”, nhằm nỗ lực kích thích sức mua. Thật không may, các nỗ lực này dường như ít phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ tại Anh cần phải đảm bảo rằng, kế hoạch giảm giá của họ phải phù hợp để thu hút được người tiêu dùng nhưng không quá thấp, khiến họ chịu những tổn thương dài hạn trong công việc kinh doanh”.
Mùa Giáng sinh buồn
Ngày thứ 7 trước khi nghỉ lễ Giáng sinh được mệnh danh là “Super Saturday”, bởi nó thường ghi nhận những mức kỷ lục mới đối với doanh số bán lẻ mỗi năm, cạnh tranh với “Ngày thứ Sáu đen tối”. Trong những năm gần đây, doanh số bán hàng trong ngày thứ 7 này thường quyết định sự thành công của cả mùa mua sắm và doanh số yếu kém sẽ dự báo trước một năm thất thu đối với các nhà bán lẻ.
Năm nay, doanh số bán hàng trong ngày “Super Saturday”, cả tại cửa hàng truyền thống và online tăng 4%, lên 55 tỷ USD, sau khi tăng 2,5% trong năm ngoái, theo hãng tư vấn bán lẻ và quỹ đầu tư tư nhân Customer Growth Partners. Như vậy, doanh số bán hàng theo phương thức truyền thống và online kể từ đầu tháng 11 tới ngày 22/12 tăng 3,1%, thấp hơn mức dự báo 3,2% và giảm so với mức 4,1% của cùng thời điểm năm ngoái.
“Trong năm 2015, việc bán hàng vẫn diễn ra chậm chạp khi phần lớn khách hàng chỉ mua những thứ đồ thiết yếu. Điều tệ nhất là thị trường thậm chí còn tăng trưởng chậm hơn năm ngoái”, Craig Johnson, Chủ tịch Customer Growth Partners cho biết.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ Liên bang Mỹ, cơ quan đứng đầu ngành này dự báo, doanh số bán hàng truyền thống và online trong năm 2015 sẽ tăng 3,7% so với năm ngoái.
Tại tất cả các mặt hàng, các nhà bán lẻ thường áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi, chiết khấu cao hơn năm ngoái, ở mức từ 20% - 50%, Traci Gregorski, Phó giám đốc marketing của hãng phân tích Market Track cho biết. Tuy nhiên, hãng này cho rằng, việc mạnh tay giảm giá vẫn chưa đủ sức để kích thích sức mua tại các cửa hàng.
Doanh số bán hàng tại các cửa hàng truyền thống giảm có thể được đền bù bằng việc mở rộng của doanh số bán hàng online. Forrester dự báo, người tiêu dùng Mỹ sẽ chi 95,5 tỷ USD mua sắm qua mạng trong mùa lễ tết năm nay, tăng 11% so với năm ngoái. Thương mại điện tử chiếm 10% trong hoạt động tiêu dùng tại Mỹ mỗi năm, tuy nhiên đã chiếm 14% trong thời gian từ tháng 10 - 12 năm nay.
Hãng phân tích RetailNext, thường xuyên theo dõi hoạt động của các công ty như Best Buy Co Inc và các nhà bán lẻ khác như Wal-Mart Stores Inc và Target Corp cho biết, doanh số bán hàng đã giảm 6,7% trong tuần lễ trước giáng sinh so với năm ngoái và doanh số bán hàng truyền thống thậm chí còn giảm 10,4%. Tuy nhiên, một điểm sáng là các khách hàng đã tới cửa hàng mua sắm thì chi tiêu nhiều hơn so với năm ngoái.
Bridget Johns, trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng của RetailNext cho biết: “Chúng ta vẫn còn hơn một tuần nữa trước khi mùa mua sắm kết thúc, nhưng chắc chắn các nhà bán lẻ cần phải chạy đua để hoàn thành kế hoạch”.
Trong số những mặt hàng, doanh số bán hàng quần áo ấm chịu thiệt hại nặng nhất khi mùa đông không còn lạnh như trước và việc giảm giá đồ điện tử mạnh gây thiệt hại tới lợi nhuận của các nhà bán lẻ.