Những rủi ro kinh tế Trung Quốc phải đối diện năm 2016

(ĐTCK) Một trong những chuyên gia kinh tế dự đoán chính xác về sự khởi đầu cũng như đổ vỡ của chứng khoán Trung Quốc cảnh báo, quốc gia này sẽ phải đối mặt với những rủi ro tài chính và tiền tệ đáng kể trong năm 2016.
Quý III/2015, tổng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc đạt 1.200 tỷ NDT, tăng 10% so với quý trước Quý III/2015, tổng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc đạt 1.200 tỷ NDT, tăng 10% so với quý trước

Hao Hong, Chiến lược gia tại Bocom International Holdings Co. (có trụ sở tại Hong Kong) cho rằng, trên phương diện lịch sử, mỗi khi tài khoản vãng lai của Mỹ được cải thiện, song hành với đồng USD tăng giá, thì một số quốc gia trên thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng nhất định.

Sức ép từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cộng thêm kịch bản thanh khoản đồng USD bị hạn chế sẽ thể hiện rõ tác động trên thị trường bất động sản Hong Kong, cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động cho vay trực tuyến của Trung Quốc Đại lục.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) trong nhiều năm qua đã thể hiện là một trong những đồng tiền châu Á sinh lợi nhiều nhất trên phương diện kinh doanh chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, đồng NDT đã yếu đi 4,2% so với USD trong năm 2015 và lợi suất khoản nợ nước ngoài mà Trung Quốc nắm giữ đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc vay ngoại tệ với mức kỷ lục 3 năm qua hiện đang tích cực mua vào USD để ngăn ngừa thua lỗ.

Dòng “tiền nóng” từng đổ vào Trung Quốc nhờ xuất khẩu tăng vọt, hoạt động mua vào kim loại thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài nay đang có xu hướng chảy ra ngoài.

Những rủi ro kinh tế Trung Quốc phải đối diện năm 2016 ảnh 1

 Chứng khoán Trung Quốc chứng kiến những cơn bão lớn trong năm 2015

Theo khảo sát của iResearch Consulting Group, với dịch vụ tài chính trực tuyến bùng nổ, tổng lượng cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending: kết nối cho vay trực tuyến với bất cứ mục tiêu gì) tại Trung Quốc chạm ngưỡng 54 tỷ USD trong tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, lượng trái phiếu bằng đồng USD do các công ty Trung Quốc phát hành cũng tăng hàng năm kể từ năm 2008, lên mức kỷ lục 94 tỷ USD năm 2015, so với mức chỉ 2,4 tỷ USD của 7 năm trước đây.


Tổng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc trong quý III/2015 đã tăng 10% so với quý trước đó, lên ngưỡng 1.200 tỷ NDT

Các công ty Trung Quốc đang phải vật lộn để tạo ra dòng tiền mặt cần thiết nhằm đáp ứng các nghĩa vụ nợ, trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm qua và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Dù gánh nặng nợ nần đã được giảm nhẹ phần nào khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) 6 lần cắt giảm lãi suất trong

12 tháng qua, nguy cơ vỡ nợ doanh nghiệp vẫn tăng cao. Ước tính, tổng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc trong quý III/2015 đã tăng 10% so với quý trước đó, lên ngưỡng 1.200 tỷ NDT.

Triển vọng Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi Mỹ tăng lãi suất có thể đẩy dòng vốn chảy khỏi Đại lục nhiều hơn nữa. Các tổ chức tài chính trong đó có cả PBoC đã bán ra 221 tỷ NDT trong tháng 11 vừa qua, một dấu hiệu cho thấy các quỹ tài chính đang hướng ra nước ngoài.

Tại Mỹ, các quan chức Fed dự báo, lãi vay sẽ tăng lên 1,375%/năm vào cuối năm 2016. Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ (kỳ hạn 5 năm) đã thu hẹp 86 điểm cơ bản trong năm nay, xuống còn khoảng 100 điểm cơ bản.

Trên cơ sở đó, ông Hong dự đoán, đồng NDT sẽ tiếp tục giảm giá 5% so với USD trong năm 2016 và chỉ số chứng khoán Shanghai Composite sẽ dao động quanh mức 2.900 điểm, tương ứng giảm khoảng 20% so với mức trung bình phiên giao dịch gần đây.

Trước đó, vị chuyên gia này từng đánh giá chính xác về sự bùng nổ của chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 9/2014. Tại thời điểm đó, ông khuyến cáo các nhà đầu tư tích cực mua vào bất chấp các số liệu kinh tế không mấy sáng sủa, bởi lẽ thị trường sẽ nhận được trợ lực từ Chính phủ.

Chỉ số Shanghai Composite sau đó tăng hơn gấp đôi, liên tiếp lập các kỷ lục và chạm đỉnh ngày 12/6. Tuy nhiên, đến ngày 16/6, trong bài phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, ông bày tỏ quan điểm rằng, chứng khoán Trung Quốc đã tiến tới nguy cơ đổ vỡ sau khi bước vào giai đoạn bong bóng.

“Trong năm tới, một thách thức khác mà Trung Quốc có thể đối mặt là sự tự mãn từ thành tựu cải cách kinh tế, cũng như với rủi ro tiền tệ một khi hệ thống tài chính Trung Quốc mở cửa từng bước. Bên cạnh đó, một số khu vực kinh tế cũng đứng trước các biến động bất ngờ nếu Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự đoán”, ông Hong nhận định.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục