Khi tài chính của các cá nhân, hộ gia đình được cải thiện, cũng như người tiêu dùng cảm thấy lạc quan về tương lai, họ thường chi tiền nhiều hơn cho các món đồ dùng, quà tặng mùa lễ hội.
Với logic này, có lý do để tin rằng, trong năm 2015, người dân Mỹ đang cảm thấy tình hình tài chính của mình tốt nhất kể từ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra năm 2008. Trong khi người dân châu Âu lại cảm thấy ngược lại.
Cứ vào tháng 11 hàng năm, kể từ năm 1999, Gallup lại tiến hành các khảo sát quy mô lớn về việc các hộ gia đình tại Mỹ định chi tiêu bao nhiêu vào các món quà Giáng sinh. Trung bình, trong năm nay, mỗi gia đình dự kiến sẽ dùng 830 USD cho các quà tặng, tăng so với mức 720 USD trong năm 2014 và chỉ thấp hơn chút xíu so với mức đỉnh 866 USD trong tháng 11/2007.
30% người tham gia khảo sát trả lời rằng, họ sẽ dành 1.000 USD hoặc hơn trong năm nay, tăng 25% so với năm ngoái. Mặt khác, 8% người dân Mỹ cho biết, họ không hề có kế hoạch chi tiêu nào đặc biệt cho dịp này, bởi vì họ không đón Giáng sinh.
Một điều đáng chú ý là, người tiêu dùng có sự cân nhắc lại trong khoản chi tiêu dành cho lễ hội của mình theo chiều hướng tăng lên. Trong tháng 10, theo kết quả khảo sát của Gallup, các hộ gia đình dành trung bình 812 USD cho quà tặng, sau đó tăng lên 830 USD trong tháng 11. Điều này khá trái ngược so với các năm trước đó, khi người tiêu dùng thường có xu hướng dè dặt hơn khi thời điểm Giáng sinh đến gần.
30% người Mỹ tham gia khảo sát trả lời rằng, họ sẽ dành 1.000 USD hoặc hơn trong năm nay, tăng 25% so với năm ngoái.
Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy thái độ ngày càng tự tin của người dân Mỹ đối với nền kinh tế. Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang có “màn trình diễn” khá ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ là quốc gia duy nhất đang cân nhắc thắt chặt tiền tệ khi phần lớn các quốc gia khác vẫn đang trong xu hướng nới lỏng.
Nếu người dân kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng tốt, họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn, thúc đẩy nhu cầu sử dụng hàng hóa và dịch vụ. Điều này cho phép các doanh nghiệp làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều lợi nhuận và thuê thêm nhiều nhân công.
Trước kết quả khảo sát khá là tích cực này, các siêu thị, hệ thống bán lẻ của Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho một mùa Giáng sinh nhộn nhịp sắp tới gần. Amazon, nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, đã thuê thêm 1.000 nhân công mùa vụ để phục vụ cho nhu cầu dịp lễ lớn trong năm này.
Trái ngược với không khí vui vẻ tại Mỹ, châu Âu có thể sẽ đón nhận một mùa Giáng sinh buồn. Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Deloitte tại châu Âu, ngân sách dành cho Giáng sinh của các hộ gia đình tại châu Âu sẽ giảm 0,28% trong năm 2015, xuống còn trung bình 513 euro/hộ gia đình.
Trong số các nước châu Âu, Hy Lạp dẫn đầu đà giảm khi kế hoạch chi tiêu mùa lễ hội của người dân nước này giảm 8,63%, xuống còn trung bình 402 euro/gia đình. Tiếp sau đó là Nga, với mức giảm 6,96%, xuống còn 217 euro và Bồ Đào Nha giảm 5,55%, xuống còn 315 euro/gia đình.
Việc các khoản tiêu dùng dành cho lễ hội tại châu Âu giảm sút không có gì quá khó hiểu. Ngay cả khi nhận được những trợ lực tích cực như người tiêu dùng và các nhà sản xuất được hưởng lợi nhờ giá dầu rẻ trong suốt 18 tháng qua; chính phủ thực thi các biện pháp nới lỏng tiền tệ; các nhà xuất khẩu hưởng lợi nhờ đồng euro giảm giá… nền kinh tế châu Âu chỉ tăng trưởng 1,6% trong quý III/2015. Bất chấp những nỗ lực nới lỏng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực vẫn phải vật lộn với mức tăng trưởng thấp, lạm phát bằng 0.
Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung euro là việc thiếu đi nhu cầu tiêu dùng. Người dân châu Âu không còn thói quen chi tiêu như trước, thay vào đó là tiết kiệm nhiều hơn, cho dù chính phủ các quốc gia luôn cố gắng thúc đẩy các nhu cầu.